Hình ảnh của vụ thảm án ấy quay lại cách đây không lâu, khi tôi và đồng nghiệp nhận lệnh hỗ trợ người đàn ông hơn 40 tuổi, bị tố cáo có hành vi bạo hành gia đình. Ông phải chịu sự giám sát khi gặp con và tham gia tâm lý trị liệu. Chưa đầy 15 phút đầu buổi gặp, người cha run rẩy, hai mắt đảo, đứng bật dậy, vừa la hét vừa quăng thẳng điện thoại về phía con gái.

"Ông ta có thể đang lên cơn nghiện", Jo – người đồng nghiệp từng làm việc ở trung tâm Dịch vụ cai nghiện quốc gia Singapore – nói gấp.

Mất hơn một tháng sau những kết nối với cấp toà, bộ, bệnh viện, các trung tâm phục vụ gia đình, thông tin ráp nối từ các mắt xích mới cho chúng tôi câu trả lời chính xác. Người đàn ông có tiền sử nghiện ma tuý.

Do nguyên tắc bảo mật, các bên đã không chia sẻ thông tin với nhau, bản thân khách hàng cũng không trung thực. Chúng tôi phải tạm dừng thi hành lệnh tòa, tê tái hay tin thân chủ đồng thời nhập viện tâm thần và trại cai nghiện. Chu kỳ cai nghiện, điều trị, tái nghiện có thể là vô tận, với sự xuống cấp sau mỗi lần tái nghiện.

Trong những buổi trao đổi nghiệp vụ sau đó, chúng tôi trao đổi về cái chết thương tâm của bé M.M ở Việt Nam, diễn ra hồi tháng 4 năm nay. Jo gọi đây là vụ án Gabriel Fernandez của Việt Nam. Có sự giống nhau đến tàn khốc khi cậu bé tám tuổi ở Mỹ cũng bị bỏ đói, tra tấn dã man, bỏ mạng với một cơ thể đầy thương tích bởi chính mẹ ruột và bạn trai. Hai người mẹ của hai vụ án đều có kết quả dương tính với ma tuý. Họ mất hết khả năng kiểm soát hành vi, tâm trí, cơ thể, không còn nhận thức được tội ác và kết thúc bằng việc giết chết chính con mình.

Ma tuý cực độc đã tàn phá nghiêm trọng cuộc đời người sử dụng và những người liên quan. Cứ 10 người nghiện ở Việt Nam thì có ít nhất 3,5 % người mang tiền án tiền sự hay liên quan đến các lại vi phạm pháp khác.

Nghiệp ngập, nhìn tận gốc, là một vấn đề bệnh lý hay tâm lý? Cách nhìn, quan điểm về nghiện ngập rất quan trọng vì nó quyết định các biện pháp quản lý, can thiệp trong công cuộc phòng chống ma tuý ở từng quốc gia. Việt Nam trước năm 2009 chỉ có giải pháp cổ điển là cai nghiện tập trung, nhập viện điều trị, tập trung giúp người nghiện cắt cơn, điều trị duy trì sau cắt cơn, cấp cứu biến chứng, giáo dục và tham gia các hoạt động lao động trong một, hai năm.

Sau đó, tham vấn điều trị nghiện ma tuý đã được triển khai và mở rộng. Do tình trạng lạm dụng ma tuý tổng hợp gia tăng, đầu năm ngoái, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-BYT khẳng định một giải pháp tổng thể, bao gồm can thiệp lâm sàng và điều trị tâm lý mới là mô hình hữu hiệu trong công tác hỗ trợ đối tượng nghiện. Chi tiết các phác đồ điều trị, sàng lọc, chẩn đoán cho tới các lớp tập huấn về hỗ trợ tâm lý, can thiệp hành vi với người sử dụng ma túy dạng ATS (loại ma túy thường gặp nhất ở Việt Nam) cũng được cung cấp.

Làm việc trong hệ thống công tác xã hội, tôi tin rằng nghiện (tách bạch với người có hành vi buôn bán chất ma túy) trước hết là một vấn đề sinh lý, tâm lý và hành vi có thể điều trị, không phải một lỗ hổng về nhân cách. Song, việc lạm dụng ma tuý trong thời gian dài gây hậu quả về mọi mặt lên thực thể, tâm lý và hành vi, chôn vùi giá trị bản thân, lấp đầy người nghiện bởi sự rệu rã, nỗi xấu hổ, sợ hãi, ăn năn, bế tắc.

Vì thế, chăm sóc điều trị cần tổng thể, kết hợp giữa những tiếp cận thuốc men, tâm lý, thể chất và xã hội. Trong đó tham vấn tâm lý người nghiện rất khác với hoạt động giáo dục. Quá trình tương tác giữa nhà tham vấn với thân chủ nghiện là cuộc hành trình lâu dài, là dìu dắt, đồng hành với người nghiện nhằm giúp họ tìm lại bản dạng cá nhân, thay vì răn đe, ra lệnh, khuyên bảo.

Bản thân nghiện ngập là một bản án tù. Không ít người vẫn tin rằng nó chỉ kết thúc khi người nghiện chết. Vì thế, động cơ cai nghiện phải xuất phát từ người nghiện nhưng cần được khơi gợi bởi các chuyên gia điều trị và tham vấn. Jo nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tiếp cận theo hệ thống gia đình, để có cơ may tìm lại được yêu thương và cảm giác thuộc về cho người nghiện. Gia đình là nguồn lực rất quan trọng vì trên 80% số người nghiện hiện đang sinh sống ngoài xã hội và cần vòng tay của người thân.

Việt Nam ước khoảng hơn 200.000 người nghiện, tốc độ tăng mười nghìn người mỗi năm, tiếp tục có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ tái nghiện là 90 %, theo thống kê của Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2019.

Dẫu biết rằng Việt Nam đang từng bước theo chuẩn quốc tế về điều trị nghiện, tôi vẫn không thể ngừng suy nghĩ đến những giây phút cuối cùng của em bé ba tuổi M.M. Tôi mong các thảo luận xã hội về ma túy không dừng lại ở khai thác tình tiết gay cấn mà mở ra những cuộc thảo luận mới: Họ đã mua ma tuý bằng cách nào? Ai chịu trách nhiệm quản lý quá trình sử dụng ma tuý hoặc cai nghiện ngoài cơ sở của người nghiện và đã làm tới đâu? Rất nhiều cái chết đáng thương đã và đang diễn ra là tiếng nói đòi hỏi những cải cách trong công tác phòng, chống và điều trị người nghiện.

Thứ nhất, quốc gia cần một hệ thống phân khúc chức năng rõ ràng, có vai trò chủ đạo và không thể kiệm nhiệm giữa chính quyền hành pháp địa phương, bác sĩ, chuyên gia, cố vấn y tế, nhân viên xã hội, nhà tham vấn trị liệu, nhà tâm lý học, báo chí. Ví dụ, từ 2019, các điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội nhằm điều trị nghiện tổng hợp ngay trong địa bàn đã được triển khai tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM, với sự đồng hành của Cơ quan quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ. Cùng sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã, người nghiện được chuyển gửi tới dịch vụ như: điều trị cai nghiện, bệnh viện điều trị tâm thần, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hành chính, pháp lý, bảo hiểm y tế. Mô hình này bước đầu tạo niềm tin với nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. 

Thứ hai, tôi mong Việt Nam sẽ xây dựng kho dữ liệu thông tin công khai, được cập nhật liên tục về bức tranh tệ nạn ma túy của quốc gia; các hướng dẫn phòng tránh cho cộng đồng; thông tin về quá trình trị liệu người nghiện cũng cần được số hoá và phổ biến làm sao để mọi người dân có thể tiếp cận - nhất là những gia đình có người nghiện bởi rất nhiều khi họ không nơi bấu víu.

Nghiện ma túy đã trở thành tệ nạn nghiêm trọng đe dọa chất lượng sống của ngày càng nhiều người Việt Nam chưa? Tôi tin nhiều người đồng tình với tôi rằng đã đến lúc coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cần giải pháp mới, nhanh và đột phá để phá vỡ những vòng xoắn ốc đi lên, để không còn những cái chết oan khiên.

Lê Đỗ Nga Linh

Tag:Nghiện ngập, cha mẹ, bạo hành trẻ em, cái chết thương tâm