Làm việc tại nhà hầu hết thời gian, kể cả gặp khách hàng hay đối tác cũng chủ yếu qua mạng, có lúc tôi cảm thấy mình như sống trên mây. Vốn là người hoạt bát, tôi chưa bao giờ hình dung một ngày mình phải trải qua tình trạng cảm thấy cô đơn.

Từ đầu năm 2020, Australia đóng biên, những đợt phong tỏa liên tiếp làm mọi việc thêm trầm trọng. Ngày càng nhiều bạn nói với tôi họ cảm thấy cô đơn và bức bách. Người ở một mình cô độc vì không có ai bên cạnh, người ở chung với gia đình lại cô đơn vì không có sự chia sẻ cảm xúc và mâu thuẫn với nhau. Bạn tôi ở Anh vừa được bác sỹ kê đơn "cần nghỉ việc hai tuần" để hồi phục tinh thần. Tôi tự hỏi không biết chị ấy có thật sự được "nghỉ phép nội trợ" khi nhà có hai con đang phải học trực tuyến và chồng chỉ làm việc riêng của anh ấy.

Tất nhiên, cũng có người cảm thấy hoàn toàn ổn trong giãn cách, nhưng số đó dường như không áp đảo. Điều này được thể hiện ở nhiều quốc gia. Kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu quốc tế Ipsos trên 23.000 người tại 28 quốc gia đầu năm 2021 cho thấy, khoảng 30% người lớn "cảm thấy cô đơn trong đại dịch".

Đại dịch Covid hữu hình và trực diện, nhưng đại dịch cô đơn có lẽ không kém khốc liệt bởi nó âm thầm len lỏi vào đời sống của chúng ta. Giáo sư Tâm lý và thần kinh học Julianne Holt-Lunstad, Đại học Brigham Young, tổng hợp từ nhiều nghiên cứu chuyên ngành cho thấy tác hại của cô đơn lên sức khỏe con người tương đương với hút 15 điếu thuốc một ngày. Nó cũng gây hại như với người nghiện rượu, liên quan mật thiết đến béo phì, tim mạch, thần kinh, tăng khả năng tử vong và có thể giảm tuổi thọ đến 15 năm nếu tình trạng cô đơn kéo dài.

Tâm lý học chia ra hai dạng cô đơn: "cô đơn xã hội" là khi một người cảm thấy cô độc vì thiếu gắn kết với cộng đồng, "cô đơn cảm xúc" do thiếu những mối quan hệ sâu sắc. Con người có thể trải qua một hoặc cả hai hình thái trên.

Cô đơn được xem là căn bệnh phổ biến của thị dân, càng ở thành phố lớn và quốc gia phát triển người ta lại càng dễ bị lạc lõng. Tuổi thơ tôi lớn lên ở quê, từ nhà tới trường tôi biết hết từng nhà từng người, quen gần hết người trong chợ, và bọn trẻ con chúng tôi đi tới đâu người ta cũng biết đứa nào là con nhà ai. Lúc lên Sài Gòn thì nhà ai người nấy ở, cửa đóng then cài mấy lớp, tôi không quen biết mấy người. May thay, tôi còn có nhiều bạn thời đại học, đứa nào cũng trẻ khỏe độc thân, khi cần là gặp. Đến khi qua Australia, tôi mới thật sự nếm mùi cô đơn. Khu nhà tôi có 8 căn nhà mà tôi chỉ biết tên của hai chủ nhà sát bên, thỉnh thoảng chạm mặt gởi câu chào xã giao qua hàng rào rồi thôi, đời ai nấy sống.

Những ngày này, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là dập dịch Covid, nhưng có lẽ mỗi người cũng đang ít nhiều phải chiến đấu với cuộc chiến của riêng mình. Những mất mát, khó khăn và sự cô đơn giữa bốn bức tường đều để lại những vết thương lòng mà sẽ cần thời gian và nỗ lực tự thân để chữa lành. Sự hồi phục nhanh hay chậm còn tùy vào mức độ tổn thương và sức bật tinh thần của mỗi người.

Nước Anh đã tiên phong bổ nhiệm chính thức chức danh Bộ trưởng cô đơn trong bộ máy chính quyền để giải quyết vấn nạn xã hội này từ năm 2018. Đầu năm nay, Nhật Bản cũng tiếp bước với Bộ trưởng cô đơn của họ, với mục tiêu giảm số lượng người tự sát đáng báo động - hơn 20.000 người mỗi năm gần đây.

Các quốc gia khác tuy chưa chính thức có chức danh trên nhưng những người làm công tác xã hội và nhiều tổ chức vẫn đang tích cực giải quyết vấn đề này cho cộng đồng. Tôi rất hy vọng Việt Nam cũng sẽ có cơ quan chuyên trách thuộc chính phủ và chiến lược lâu dài để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, nhất là những ai đã chứng kiến sinh tử vô thường trong trận dịch này.

Cô đơn có thật sự đáng sợ không?

Sau hơn một năm điều trị tâm lý, tôi có thể chia sẻ với bạn từ trải nghiệm cá nhân rằng, dù bị dán nhãn là "tiêu cực" thì tự thân cảm xúc cô đơn không có gì xấu. Không có gì xấu hổ khi thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy rất cô đơn. Vì chỉ khi nhận diện và gọi tên cảm xúc thật của mình, ta mới có thể bắt đầu hành trình chữa lành. Tôi đã từng bước xây dựng hệ thống hỗ trợ tinh thần cho mình, gồm những người cho tôi cảm giác an tâm, được họ lắng nghe, và cảm nhận sự gắn kết chân thành với nhau. Chỉ cần nghĩ tới họ là tôi cảm thấy lòng mình ấm áp.

Tôi sẽ không nói lời sáo rỗng rằng bạn hãy suy nghĩ tích cực lên trong bầu không khí dịch bệnh bủa vây, tiếng còi xe cứu thương và tiếng con quấy khóc đòi được đi chơi, chưa kể công việc cứ nhấp nháy trên màn hình máy tính. Chúng ta cũng không thể làm ngơ khi những người quen biết đã mất đi người thân, nhiều người xung quanh ta có thể bị đói. Ta sẽ bớt đi tính người nếu vô cảm với nỗi đau của tha nhân và chính mình.

Thế nhưng, cô đơn, cũng như bao cảm xúc khác, chỉ mang tính thời đoạn như đi thuyền qua một khúc quanh, chạy xe qua đoạn có ổ gà, một ngày bão giông, một đêm mất ngủ trong đời người. Cô đơn không phải bệnh nan y và ai trong chúng ta cũng có khả năng hồi phục, đồng thời có thể giúp người khác vượt qua nó. Bạn chỉ cần làm việc đơn giản như có mặt bên ai đó để lắng nghe, tâm sự, nhắn tin, gọi điện hỏi thăm người thân, bạn bè, gặp gỡ và giúp đỡ khi cần thiết. Nếu ta quan tâm đến ai, hãy tỏ bày cho họ biết. Khi ta cần một bờ vai, đừng ngần ngại hỏi han.

Một giải pháp hữu hiệu khác là thay đổi thái độ sống. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta bị "nhốt" ở nhà lâu như thế. Bình thường ai cũng than bận rộn, bận làm, bận học, bận chơi, bận yêu đương, bận đủ thứ. Bây giờ là thời gian vàng để bớt bận. Bạn có muốn làm điều gì mà bấy lâu cuộc đời chưa cho phép? Trận dịch này là cơ hội có một không hai để bạn nhìn nhận lại những giá trị và mục tiêu của đời mình.

Ở nhà là lúc con người sống thật với mình nhất. Bao nhiêu đẹp đẽ, lịch thiệp, tài năng đều đem ra bên ngoài cho công việc, cho bạn bè, cho xã giao. Về nhà, chỉ còn cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta dành cho họ ít hơn những gì chúng ta đã phân phát bên ngoài. Đằng sau những cánh cửa, nếu bạn có một tổ ấm an yên, đó chính là tài sản lớn nhất của bạn. Khoan nhìn qua nhà ông triệu phú hàng xóm với cô vợ hoa hậu, bạn có thể không bao giờ biết cuộc đời họ đã và đang trải qua những gì đâu.

Ở nhà lâu ngày còn là sự giải phóng khỏi cuộc sống vật chất. Bạn thử để ý xem, thật ra chúng ta không có quá nhiều nhu cầu như vẫn nghĩ. Con người thật ra chỉ cần ăn cơm một bữa mỗi ngày mà vẫn đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cuộc sống lành mạnh - theo các nghiên cứu về lối sống tối giản và "nhịn ăn gián đoạn" của nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi - Nobel 2016. Nếu có căn hộ một phòng hay dinh thự 10 phòng, ta cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường. Mỗi lúc, ta cũng chỉ cần mặc một bộ quần áo dù bạn có cả tủ đầy đồ.

Liệu ta có cần cố gắng để giống như ai khác hay chỉ cần trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, hạnh phúc với chính mình? Khi bạn tự tin và cảm thấy đủ đầy với những giá trị bên trong, bạn sẽ bớt bận tâm tới quần áo, hàng hiệu và những thứ phù phiếm bên ngoài. Ngoài kia còn quá nhiều cảnh đời phải chạy ăn từng bữa, nên nếu đang được ở nhà, có thực phẩm và chăn ấm nệm êm, ta đã may mắn hơn rất nhiều người.

Thật tốt khi tại Việt Nam ngày càng nhiều nhóm trợ giúp, tư vấn tâm lý cho cộng đồng ra đời trên các mạng xã hội và đời thực. Họ hỗ trợ người đang khó khăn về tinh thần, trải qua mất mát hoặc bức bối do phong tỏa lâu ngày, họ chia sẻ điều tích cực, lối sống lành mạnh. Và tôi hoàn toàn ủng hộ nếu Việt Nam cũng bổ nhiệm Bộ trưởng cô đơn.

Huỳnh Thị Ngọc Hân

 

Tag:Cô đơn, đại dịch covid, tác hại, tinh thần