Trong điều kiện bình thường, khoảng cách giàu nghèo của gia đình và xã hội vốn đã tạo ra cách biệt trong sự phát triển và thành đạt của những đứa trẻ. Và những cú sốc ngẫu nhiên trong đời trong thời thơ ấu, chẳng hạn một đại dịch, cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn với tương lai của trẻ.

Ở Mỹ, nghiên cứu cho thấy những em bé còn trong bụng mẹ vào thời điểm cuối năm 1918, giai đoạn đỉnh của dịch cúm Tây Ban Nha, có tỉ lệ hoàn thành bậc trung học thấp hơn 5% và kiếm được ít tiền hơn một chút khi trưởng thành so với trẻ khác.

Covid-19 & trẻ dưới 5 tuổi: Khởi đầu bất trắc cho cả một đời - Ảnh 1.

Một sản phụ sinh con trong giai đoạn dịch COVID-19. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn trung bình khi nhiễm COVID-19, điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị sinh non hoặc nhẹ cân. Ảnh: UNICEF

Đại dịch vừa qua cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ dưới 5 tuổi, và nhiều tác động của nó sẽ còn kéo dài rất lâu sau đó, theo tạp chí The Economist.

Từ ví dụ ở Phi châu

Nhóm của Menumatu Nallo thường họp bên dưới gốc một cây cổ thụ ở Kambia, thị trấn ở phía tây bắc Sierra Leone - quốc gia nằm ở tây châu Phi. Khoảng 40 phụ nữ và vài người đàn ông đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa. Nallo dùng hình ảnh để giải thích về những thực phẩm tốt cho sản phụ. Cô hướng dẫn các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Cung cấp kiến thức cho sản phụ là biện pháp giúp đẩy lùi bệnh tật và suy dinh dưỡng trẻ em ở Sierra Leone. Do tỉ lệ mù chữ cao, việc họp nhóm là cách hiệu quả nhất để chia sẻ thông tin này. Tuy nhiên, những cuộc họp này ở Sierra Leone đã bị dừng lại do COVID-19.

Hơn thế, theo Mohamed Bangura, một nhân viên y tế, các gia đình còn "sợ" đưa trẻ đến bệnh viện, do đó nhiều trẻ em không được tiêm phòng và trẻ suy dinh dưỡng không được hỗ trợ thực phẩm. Đó là những tác động gián tiếp từ đại dịch lên trẻ em.

Trên toàn cầu, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố vào giữa năm 2022 cho thấy tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em đã sụt giảm ở mức cao nhất trong khoảng 30 năm qua. Tỉ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) - thước đo về tỉ lệ bao phủ vắc xin của các nước - đã giảm 5% so với năm 2019, còn 81% trong năm 2021.

Trong hai tháng đầu năm 2022, số ca mắc bệnh sởi trên toàn thế giới cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021 mà một phần nguyên nhân là do thiếu vắc xin. Bệnh bại liệt cũng xuất hiện đó đây ở những nơi nó đã bị loại trừ trong nhiều thập niên.

Chất lượng bữa ăn của trẻ cũng được ghi nhận là kém hơn. Trước COVID-19, có hơn 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi (khoảng 7% tổng số trẻ em) bị suy dinh dưỡng thể gầy còm - suy dinh dưỡng cấp tính. Ngoài ra, có khoảng 150 triệu (22%) trẻ bị thấp còi - tình trạng do suy dinh dưỡng kéo dài khiến não và cơ thể trẻ không phát triển bình thường.

Đại dịch khiến giá thực phẩm tăng cao, trong lúc nhiều người bị ngừng việc hoặc mất việc. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng vào cuối năm 2022, số trẻ bị gầy còm có thể tăng đến 60 triệu - tương đương khoảng 30% so với trước dịch.

Ảnh hưởng phát triển đầu đời

Căng thẳng và bị xáo động do đại dịch có thể khiến một phụ huynh xa cách với con mình hơn. Lena, một tổ chức từ thiện ở Colorado (Mỹ), cảnh báo rằng các cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và con trẻ bị giảm đi trong đại dịch. Không chỉ ở nhà, Jaime Saavedra, người đứng đầu nhóm giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, cho biết giáo dục mầm non gần như đã "trở về số 0" ở nhiều nơi trên thế giới do COVID-19.

Tại một trường mầm non ở São Paulo, địa phương bị đóng cửa vì COVID-19 lâu hơn so với hầu hết các nơi ở Brazil, khi trở lại trường, tỉ lệ trẻ làm đổ thức ăn tăng hơn hẳn. Bà Claudia Russo, hiệu trưởng trường, cho biết nhiều em bị thiếu ăn trong thời gian phong tỏa. Theo cô hiệu trưởng này, dạy trực tuyến cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi là rất khó khăn nhưng ngay cả khi trường mở cửa trở lại, nhiều gia đình vẫn chưa cho con đi học lại.

Một nghiên cứu công bố vào tháng 10-2022 cho thấy những trẻ sinh ra trong thời gian phong tỏa liên quan đến COVID-19 chậm đạt được các mốc phát triển nhất định so với những trẻ sinh ra trước đại dịch.

Trước COVID-19, trẻ có thể chỉ vào đồ vật khi được 9 tháng tuổi, và khi được 1 tuổi thì nhiều em đã nói vài từ. Nhưng trong nghiên cứu của Royal College of Surgeons of England (Dublin), những trẻ em sinh từ tháng 3 đến tháng 5-2020 ở Ireland, giai đoạn nước này phong tỏa chặt, gặp khó khăn hơn trong giao tiếp khi 1 tuổi so với những trẻ sinh từ năm 2008 - 2011.

Các nghiên cứu khác ở Trung Quốc, Mỹ thì phát hiện trẻ sinh ra trong lúc phong tỏa do COVID-19 kém phát triển về vận động tinh và kỹ năng xã hội. Hiện chưa thể kết luận liệu những trẻ bị tụt hậu này có nhanh chóng bắt kịp những trẻ khác hay không, vì những thay đổi về xã hội trong thời kỳ COVID-19 là chưa từng có. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Covid-19 & trẻ dưới 5 tuổi: Khởi đầu bất trắc cho cả một đời - Ảnh 2.

Một em bé được tiêm ngừa COVID-19 ở Sao Paulo. Ảnh: AP

Hậu quả lâu dài

Với hàng triệu trẻ bị thiếu ăn do đại dịch, tác động đến sự phát triển của trẻ dễ dự đoán hơn. Saskia Osendarp thuộc Diễn đàn Vi chất dinh dưỡng (một nhóm nghiên cứu và vận động chính sách) cho biết trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ bị những "hậu quả suốt đời, không thể đảo ngược" ngay cả sau khi chế độ ăn của trẻ được khắc phục.

Thiếu ăn tác động xấu đến sự phát triển của não bộ. Một nghiên cứu ở năm quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy trẻ thấp còi học ít hơn một năm so với trẻ bình thường. Một nghiên cứu khác với dữ liệu từ hàng chục quốc gia đang phát triển ước tính tình trạng thấp còi làm giảm 22% thu nhập của trẻ khi trưởng thành. Các sản phụ bị thấp còi khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị biến chứng khi sinh, và con của họ cũng có nhiều khả năng bị suy dinh dưỡng.

Theo ước tính của các học giả ở châu Phi, châu Mỹ và châu Âu, số trẻ mẫu giáo không đạt chuẩn về sự phát triển về trí não, thể chất và cảm xúc đã tăng khoảng 13% trên toàn cầu trong năm đầu xảy ra COVID-19. Về lâu dài, khi đi học, các em có thể đạt điểm thấp hơn, hệ quả là có thể thu nhập sau này cũng thấp hơn.

Báo cáo của UNICEF, UNESCO và Ngân hàng Thế giới năm 2021 cho rằng việc đóng cửa trường học có thể khiến thế hệ trẻ em hiện nay bị mất 17.000 tỉ USD thu nhập suốt đời - tương đương 14% GDP toàn cầu ngày nay - do việc dừng giảng dạy làm mất đi cơ hội phát triển trong tương lai của các em. Riêng việc đóng cửa trường mầm non trong năm 2020 đã có thể khiến trẻ em trên toàn cầu mất 1,6 triệu USD thu nhập suốt đời khi trưởng thành, tương đương 1,7% GDP toàn cầu.

Mặc dù đã có vắc xin phòng COVID-19, các tình trạng gây hại cho trẻ em trên thế giới vẫn còn. Lạm phát cao và giá thực phẩm tăng cao khiến rủi ro suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn nguyên. Tháng 7-2022, WHO và UNICEF cảnh báo tỉ lệ tiêm chủng thấp và tỉ lệ suy dinh dưỡng cao có thể tạo điều kiện cho "một cuộc khủng hoảng về sự sống còn của trẻ em".

Tại Brazil, tỉ lệ những người không thể kiếm đủ thực phẩm hằng ngày đã tăng từ 9% năm 2020 lên 16% năm 2022, theo tổ chức từ thiện Rede Pensan. Bà Yvonne Forsen, người phụ trách Chương trình Lương thực thế giới tại Sierra Leone, nhận định tình hình dinh dưỡng toàn cầu đang "tiếp tục xấu đi".

Do đó, các nước cần tái tục các nỗ lực cung cấp thực phẩm và tiêm chủng cho trẻ em cũng như cung cấp giáo dục mầm non nhiều hơn và tốt hơn. Các số liệu chi tiết mới nhất, vào thời điểm cuối năm 2021, cho thấy tỉ lệ đi học mầm non ở Anh chỉ đạt khoảng 80% so với trước đại dịch. Điều này có thể do các phụ huynh còn lo về nguy cơ lây nhiễm hoặc do học phí ngoài khả năng chi trả của họ.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2021, số lượng đăng ký vào các trường mầm non ở Mỹ cũng giảm 25% trong năm 2020 so với năm 2019 và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Ở nhiều nước, nhiều trẻ đã phải học lại lớp 1. Điều này làm cho quy mô lớp học lớn hơn, việc dạy học vất vả hơn. Các chuyên gia cho rằng chu kỳ này giờ đây có thể ngày càng lan rộng hơn và người thiệt thòi là những đứa trẻ.■

Đại dịch còn có thể ảnh hưởng đến trẻ từ trước khi chúng chào đời. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn trung bình khi nhiễm COVID-19, điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị sinh non hoặc nhẹ cân. Đại dịch cũng khiến nhiều sản phụ bị căng thẳng - ảnh hưởng đến thai nhi. Nghiên cứu ở Thụy Điển năm 2018 gợi ý rằng con của những sản phụ bị mất người thân lúc mang thai có nhiều khả năng bị rối loạn thiếu tập trung, lo lắng hoặc trầm cảm khi trưởng thành.

HỒNG VÂN

Tag:Sức khỏe, Dịch Covid-19 & trẻ dưới 5 tuổi, Covid-19, COVID, Trẻ em