"Con chẳng đi đâu mà mẹ vẫn nhớ lắm"

Một sáng đầu tuần, chị P.L. (Hà Nội) đăng lên Facebook hình con viết và đọc sách trên máy bay cùng dòng trạng thái: "Hội chứng tâm lý nghiện con vô điều kiện. Mới đầu tuần mà thấy nhớ bạn ấy da diết". 

Hội chứng con chẳng đi đâu mà mẹ vẫn nhớ lắm - Ảnh 1.

Yêu thương con và chia sẻ tình cảm này là điều tốt. Nhưng có phụ huynh thể hiện thái quá, dùng con và mạng xã hội cho công cụ làm điều đó quá đà.

Bạn bè vào bình luận với những câu hỏi như: "Con đi đâu mà nhớ con?"; "Nghiện này không có thuốc chữa, ngày càng nặng hơn thôi"... Đáp lại, người mẹ thông tin đó là ảnh cũ và trả lời: "Giờ con chẳng đi đâu mà mẹ vẫn nhớ lắm í, mới buồn cười chứ".

Tương tự, chị N.T.Y. (TP.HCM) ít nhất một ngày có đến 3-4 lần đăng con lên Facebook, thậm chí lại đăng cả mạng Zalo. 

"Lướt Facebook nó là chỉ thấy ngập tràn hình con, ăn, ngủ, đi học, mè nheo, khóc nhè..., tất cả cho lên hết với những lời có cánh. Có hôm nó ngồi trong quán cà phê cùng hội bạn, nghe "ting" trên điện thoại, tôi mở ra thì thấy hình con bé chu miệng cùng mẹ với dòng status: "Na ơi! Mẹ nhớ con da diết, mong sao cho đến giờ...". Hỏi ra mới biết là con đi học cũng thấy nhớ, mong là mong đến giờ con tan học về" - bạn của chị N.T.Y., chị Thanh (Q.3), lắc đầu chặc lưỡi kể lại.

Có không ít trường hợp như bạn chị Thanh, chị P.L. nhưng khi hỏi, hầu như tất cả đều biết đưa con lên mạng dày đặc như vậy là không tốt. "Biết nhưng sao vẫn cứ thích đưa lên. Khi đưa con lên mạng, tôi nhìn có cảm xúc gì khó tả lắm" - chị N.T.Y. nói.

Trong khi đó, có ông bà ngoại thường xuyên đưa cháu lên Facebook nhưng người bố là ông Phạm Quốc (H.Nhà Bè, TP.HCM) không đồng ý. Ông Quốc nói: "Tôi biết luật đã quy định rồi, tuy nhiên ông bà, mẹ các con cứ bảo đây cũng thể hiện sự yêu thương thì có làm sao, nhưng tôi biết vô tình các con sẽ gặp nguy hiểm mà mình không lường trước, chứ tôi nhất quyết phản đối".

Không nên quá đà

Nghiện con rồi khoe con trên Facebook thực sự là câu chuyện nhìn giản đơn, nhưng hệ lụy của nó có khi không hề nhỏ. Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho biết hội chứng "nghiện" con, "cuồng" con không hiếm, rất nhiều ông bố bà mẹ như vậy, đặc biệt là con đầu lòng.

"Chia sẻ thông tin, hình ảnh con trên mạng có thể ban đầu mang giá trị tích cực, nhưng quá đà sẽ có hệ lụy. Chia sẻ quá nhiều, quá lạm dụng, có thể hình ảnh của con bị lợi dụng, sử dụng cho mục đích không tốt. Hơn nữa, luật pháp đã quy định rồi, phụ huynh nên tìm hiểu luật để biết cái gì nên, không nên" - ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, khi cha mẹ nghiện con rồi thì những điều bình thường của con cũng trở thành khoảnh khắc quý giá với cha mẹ, nhưng qua lăng kính của con lại là sự xấu xí, con trẻ sẽ không vui, rồi dẫn đến mâu thuẫn, phát sinh khoảng cách về tình cảm. Phụ huynh cần tỉnh táo về cảm xúc, nhất là những người có xu hướng nghiện con.

Vi phạm luật

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: "Cha mẹ đăng thông tin của con lên mạng sẽ vi phạm 2 luật: thứ nhất, điều 29 của Luật an ninh mạng quy định trẻ em có quyền được giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Thứ hai, Luật trẻ em 2016 quy định nếu con trên 7 tuổi, cha mẹ đưa thông tin con lên mạng phải được con đồng ý".

Tiến sĩ Phạm Hải Chung (giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền):

Cẩn trọng với "bắt cóc kỹ thuật số"

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, là một trong những nền tảng yêu thích và sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Nhiều bậc cha mẹ thường xuyên đăng những câu chuyện, hình ảnh và video hằng ngày về con mình, thể hiện sự tự hào về những thành tích của con và một phần là mong muốn kết nối với người thân và bạn bè, thay vì kể cho họ nghe trong các cuộc gặp ngoài đời.

Không phủ nhận đây là phương tiện hữu ích để kết nối, chia sẻ, nhận được lời khuyên và bớt cảm giác cô đơn trong việc nuôi dạy con. Nhưng chia sẻ bao nhiêu là đủ, hay bao nhiêu là quá nhiều và có những chia sẻ nào trên mạng khiến con bạn gặp nguy hiểm hay không? Và quan trọng hơn, con bạn có đồng ý với những điều bạn đang làm hay không? Các bậc phụ huynh nên trả lời câu hỏi này trước khi click chuột chia sẻ thông tin.

Từ 5 tuổi, một đứa trẻ đã bắt đầu ý thức về tính riêng tư, chúng có thể cảm thấy xấu hổ vì những nội dung mà bố mẹ nói với người khác ngoài đời hay chia sẻ với ai đó trên mạng về chúng. Ngoài ra, dữ liệu về trẻ được cha mẹ chia sẻ có thể được sử dụng bởi các thuật toán tìm kiếm của Google trong nhiều năm tới.

Bạn cũng nên quan tâm đến cách người khác có thể phản ứng và hệ quả với những gì bạn chia sẻ về con mình.

Không mất nhiều thời gian để một bức ảnh đi từ một trò đùa trong gia đình trở thành chủ đề bàn tán trêu chọc và bắt nạt con bạn ở trường học giữa bạn bè chúng. Khả năng con bạn bị bắt nạt không chỉ với những người bạn biết, mà có thể là những người ẩn danh trên Internet.

Bắt cóc kỹ thuật số (Digital Kidnapping) là một khái niệm khá phổ biến với các bố mẹ phương Tây, khi ai đó hoàn toàn có thể lấy toàn bộ dữ liệu và hình ảnh của con bạn để biến thành con của họ trên mạng. Các tài khoản nhập vai trẻ em dường như được tạo ra bởi những người muốn làm cha mẹ hoặc trẻ em. Con bạn sẽ mất quyền kiểm soát danh tính trực tuyến của mình.

Mỗi cá nhân nên ý thức với những dấu tích mà mình để lại trên Internet ("digital footprint"), để bảo vệ thông tin cá nhân trước những rủi ro. Và khi bọn trẻ chưa đủ tuổi để ý thức được chuyện đó hay những hệ quả đó, thì đó là câu chuyện và trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

THẢO THƯƠNG

Tag:Khoe con lên Facebook, Mạng xã hội, An ninh mạng, Không gian mạng, Khoe con ,Facebook