Theo một nghiên cứu công bố mới đây của Đại học New York và Đại học Princeton, người lớn tuổi ở Mỹ thường chia sẻ tin giả trên Facebook nhiều hơn các lứa tuổi còn lại. Số người dùng mạng xã hội lớn tuổi luôn chia sẻ tin giả nhiều hơn người trẻ mà không có sự tương quan với trình độ học vấn, giới tính, sắc tộc, thu nhập hay thậm chí cả số lượng tin bài mà họ quan tâm. Nói cách khác, độ tuổi đóng vai trò quan trọng đối với tần suất “dính” tin giả so với các yếu tố còn lại.

Những thế hệ trước lớn lên ở thời “tiền Internet”, vì thế mạng xã hội, cách thông tin được chia sẻ và bị thao túng trên không gian ảo với họ là một điều xa lạ. Tuy nhiên, ngày nay không ít người lớn tuổi hiện nay cũng bắt đầu tham gia vào mạng xã hội, và đây là lúc họ bắt đầu đối diện với những tin tức sai lệch, thiếu kiểm chứng. Đây không chỉ là vấn đề chỉ riêng Việt Nam, mà còn được xem như một vấn nạn toàn cầu

Làm sao nói với người già về tin giả?
Người lớn tuổi ngày nay cũng "online" và dễ trở thành nạn nhân của tin giả. Ảnh: Shutterstock

.Theo Claire Wardle - giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra về thông tin thất thiệt First Draft, các chương trình giáo dục hiện vẫn chưa đủ khả năng giúp con người có thể tự xác định thông tin sai lệch. Vì thế Wardle cho rằng các thành viên trong xã hội phải cùng nhau vượt qua và chia sẻ trách nhiệm. Trong phạm vi gia đình, trách nhiệm giúp đỡ các thành viên lớn tuổi không trở thành nạn nhân của loại thông tin này thuộc về chính chúng ta.

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với việc “san sẻ trách nhiệm” này chính là nguy cơ gây chia rẽ giữa các thành viên trong gia đình, hay nói nôm na là sự buồn lòng của người lớn được giấu sau câu hờn “trứng mà đòi khôn hơn vịt”.

Giám đốc mạng lưới học tập tại Đại học Washington, Mike Caulfield, cho rằng việc người lớn tuổi “lỡ” chia sẻ tin giả hay thông tin sai lệch là rất phổ biến. Điều quan trọng mà chúng ta cần làm là giúp cha mẹ hay ông bà mình nhận ra gốc rễ của vấn đề, tức giúp họ hiểu cách mà những mẩu thông tin bị cắt xén sẽ làm bức tranh chung trở nên sai lệch như thế nào. “Và việc góp ý này phải thật tế nhị, tốt nhất là ở nơi riêng tư” - Caulfield nói với trang BuzzFeed News.

Tuy góp ý riêng vẫn là ưu tiên hàng đầu, chúng ta vẫn sẽ không tránh khỏi những trường hợp phải góp ý công khai, điển hình khi một người thân trong gia đình chúng ta nhắc đến một thông tin sai, khiến cả đại gia đình cùng hưởng ứng. Trong những trường hợp như vậy, các chuyên gia vẫn khuyến khích việc lên tiếng, nhưng cách nói vẫn phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng. Về phương diện này, Wardle cho rằng các thế hệ trẻ tuổi trong gia đình cần tránh việc khiến những thế hệ trước cảm giác họ bị “lên lớp”.

Wardle cảnh báo cách mào đầu bằng câu “cha mẹ hay ông bà sai rồi” sẽ lập tức kết thúc cuộc đối thoại. Thay vì đẩy người lớn vào thế cô lập, nữ chuyên gia này khuyên con cháu nên dùng cách xưng hô “chúng ta”, ngầm ý rằng tất cả mọi người đều là đối tượng của tin giả, chẳng hạn ta có thể nói: “Rất nhiều người đang cố thao túng chúng ta. Con/cháu suýt cũng bị lừa vì nó hồi tuần trước”.

Bên cạnh đó, giám đốc quản lý nhóm nghiên cứu lịch sử SHEG của Đại học Stanford, Joel Breakstone, cũng không khuyến khích cách tiếp cận khiến người lớn tuổi xấu hổ. Breakstone gợi ý ngoài việc thông báo cho người thân về thông tin sai, chúng ta còn có thể gợi ý các biện pháp để giúp họ kiểm chứng thông tin. Về vấn đề này, SHEG đã xây dựng một loạt video hướng dẫn, trong đó đề xuất cách giải quyết các câu hỏi trọng tâm: Ai là người đứng sau thông tin này? Động cơ của họ là gì? Bằng chứng đâu? Và những nguồn thông tin khác nói thế nào?

Chốt lại, con người chúng ta đa phần sống thiên về mặt tình cảm. Vì thế, tất cả những cách trên suy cho cùng cũng xuất phát từ sự tôn trọng cảm nhận của người đối diện, cụ thể ở đây chính là những thành viên đáng kính trong gia đình.■

VŨ NGUYÊN

Tag:tin giả,người già,lan truyền tin giả