Tất cả chúng ta ai cũng đã từng trải qua những lúc phải lo âu, căng thẳng. Từ khi là học sinh, mỗi lần cô giáo gọi lên bảng đều giật mình, tim  đập nhanh một chút, hoặc khi đứng trước cửa nhà người yêu, khi chuẩn bị bày tỏ tình cảm với người mình yêu đều có những cảm giác lo lắng, hồi hộp, nhưng đó là những phản ứng cảm xúc bình thường có tính chất sinh lý sau đó lại có thể trấn tĩnh trở lại. Nhưng khi những rối l oạn lo âu này vượt ngưỡng, sẽ trở thành bệnh lý.

Nhận biết thế nào?

Người bệnh thường kể về những biểu hiện của mình như sau: nhịp tim nhanh, cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, sắp chết hoặc là cảm giác như là có người bóp cổ mình, cảm giác đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực, buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất đi, không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như sắp sửa đột quỵ.

Người bệnh có thể có cảm giác như mình không còn ở môi trường đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân và cảm tưởng như sắp bị điên. Bệnh nhân có cảm giác rất sợ chết, có những cảm giác bất thường, ví dụ như cảm thấy trong người tê cóng... cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng trong người.

Những biểu hiện của rối loạn lo âu này thường xảy ra sau khi người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý trong cuộc sống, ví dụ như phải đi xa nhà, ly hôn, người thân chết hoặc sau những sự kiện không may xảy ra với mình như là tai nạn giao thông, hoặc một bệnh lý nặng xảy ra với người thân của mình như ung thư dạ dày, u não... và bệnh nhân lo lắng mình có thể cũng bị những bệnh nặng như vậy.

Một điểm nữa là khi khám những bệnh nhân này, chúng tôi thường thấy bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện buồn chán, bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti... là những biểu hiện của hội chứng trầm cảm.

roi-loan-lo-au-ung-pho-the-nao-1

 

roi-loan-lo-au-ung-pho-the-nao-2

Triệu chứng của rối loạn lo âu.

Tại sao lại rối loạn lo âu?

Nguyên nhân của bệnh thì đến nay còn có nhiều giả thuyết khác nhau. Thuyết về phân tâm học, thuyết về nhận thức hành vi, thuyết về các chất dẫn truyền thần kinh như là GABA, serotonin..., thuyết về giải phẫu của não... nhưng có lẽ nguyên nhân của nó là sự tổng hợp của các giả thuyết trên.

Những triệu chứng biểu hiện của lo âu thường rất giống với biểu hiện của những bệnh lý nội khoa khác và chính vì vậy bệnh nhân khi có những biểu hiện này thường đến các thầy thuốc chuyên khoa về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp...Khi bệnh nhân đến với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần thì họ đã được điều trị ở rất nhiều chuyên khoa khác nhau, bằng nhiều loại thuốc chuyên khoa, thậm chí cả những thủ thuật can thiệp cao cấp, đắt tiền như đốt nút xoang nhằm làm giảm nhịp tim nhưng tất cả những sự can thiệp và điều trị này đều thất bại, lúc đó bệnh nhân mới được gửi đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Vậy vấn đề đặt ra là điều trị chứng rối loạn lo âu như thế nào? Khi một bệnh nhân đã được chẩn đoán là rối loạn lo âu, họ cần phải được điều trị bởi một bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, chủ yếu là điều trị ngoại trú, chỉ có một số ít trường hợp phải vào điều trị nội trú như những trường hợp trầm cảm có ý tưởng tự sát, hoặc những trường hợp có kết hợp lạm dụng chất gây nghiện. Việc điều trị bao gồm hai nội dung: Sử dụng thuốc chống lo âu và những liệu pháp về nhận thức hành vi.

Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu là những thuốc có tác dụng làm giảm những triệu chứng này, hiện nay đang được dùng phổ biến là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin chọn lọc mà một số hoạt chất  phổ biến như là fluoxetine, sertraline, paroxetine (SSRI)..., loại thuốc chống trầm cảm ba vòng  amitriptylin, nhóm benzodiazepine  (seduxen)...

Việc trị liệu bằng các liệu pháp nhận thức hành vi nhận thức hiện còn chưa được phổ biến ở nước ta. Việc điều trị này bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp  phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ hết dần. Hiện nay chúng tôi thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và trị liệu về hành vi nhận thức.

Cuối cùng khi một bệnh nhân có những triệu chứng của rối loạn lo âu  thì nên đi khám và điều trị một thầy thuốc chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt, nếu không chức năng về mặt xã hội như là công việc, học tập, giao tiếp của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng và bệnh nhân sẽ bị tàn tật về mặt xã hội.

BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Tag:rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, xa nhà, ly hôn, tai nạn giao thông, bệnh lý