Theo nhiều chuyên gia, người chẳng may mắc bệnh trầm cảm không thể tự chống đỡ một mình nên việc ra đời mô hình này là rất cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn.

Lên đường cấp cứu trầm cảm

Khoảng 18h một ngày đầu tháng 8-2022, đường dây nóng của Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) reo lên liên hồi. Đầu dây bên kia, giọng một người phụ nữ ngụ tại quận Tân Phú gấp gáp báo về một trường hợp người thân đang bị kích động bởi chứng loạn thần (một dạng tâm thần nặng hơn trầm cảm). "Giết hết tất cả và chết chung" - miệng người bệnh liên tục la hét đe dọa mọi người xung quanh. Đây cũng chính là ca bệnh loạn thần cần cấp cứu đầu tiên ngay sau khi mô hình cấp cứu trầm cảm đi vào hoạt động.

Sau khoảng 15 phút kíp cấp cứu đến nơi, bệnh nhân lúc này vẫn đang trong tình trạng kích động mạnh, miệng vẫn liên tục đe dọa. Qua khai thác lời kể của người nhà, trước đó ba ngày bệnh nhân này bắt đầu có các biểu hiện kích động và nói với người nhà rằng mình bị ám hại

Cấp cứu trầm cảm - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) thăm khám, tư vấn bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần - Ảnh: XUÂN MAI. 

Song song với việc yêu cầu gia đình chuẩn bị một phòng kín an toàn, kíp cấp cứu tức tốc liên hệ với bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) tham vấn chuyên môn, rồi dần dần "cảm hóa" dìu bệnh nhân vào một phòng kín, ở đó không có bất kỳ vật dụng nào gây thương tích cho người xung quanh và bệnh nhân.

Trước đó, kíp cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 cũng đã tham gia cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng. Bác sĩ Huỳnh Văn Tiến không thể quên lần "giải cứu" một nữ bệnh nhân cố thủ trong nhà vệ sinh. Người phụ nữ sinh con gái đầu lòng trong một gia đình chồng đặt nặng phải có cháu đích tôn nên áp lực vô hình đã bao trùm lên cô. Cha mẹ ruột lại ở xa, mỗi ngày trôi qua với cô là cực hình khi gia đình chồng cho rằng cô "không có khả năng sinh được con trai".

Với trường hợp này, bác sĩ Tiến cho hay sau khi nắm bắt được vấn đề tâm lý cũng như bệnh sử, êkip đã khéo léo không để người nhà tiếp cận bệnh nhân, mà đã liên hệ được người bạn thân của cô ấy đến để trấn an, từ đó bệnh nhân dần cởi mở hợp tác.

Gia tăng người mắc các bệnh lý tâm thần

Theo Sở Y tế TP.HCM, cùng tham gia cấp cứu trầm cảm có nhiều đơn vị, trong đó Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần là hai đơn vị đóng vai trò quan trọng trong mô hình cấp cứu người trầm cảm và điều trị tại TP.HCM.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết sau một tuần triển khai mô hình này đã phát huy tác dụng, đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, đường dây nóng của đơn vị đã nhận được 10 cuộc gọi cần cấp cứu về tâm thần, trong đó có 7 cuộc cần tư vấn tâm lý và 3 cuộc các êkip cấp cứu đã xuống tận nơi xử lý, cấp cứu và cứu sống được người có ý định tự sát. 

"Một số bằng chứng cho thấy có khoảng 37% người bệnh xuất hiện các tổn thương tâm lý, rối loạn tâm thần sau mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng, đặc biệt người đã nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần sau mắc COVID-19 cao hơn so với người chưa nhiễm" - bác sĩ Long phân tích.

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi tại Bệnh viện Tâm thần ghi nhận trung bình mỗi ngày khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng 600 - 800 bệnh nhân đến khám về các bệnh lý tâm thần, có ngày lên đến 1.000 bệnh nhân. Trong đó, người bệnh đến khám nhiều nhất vì rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm, các rối loạn loạn thần hoặc rối loạn giấc ngủ... 

Và theo số liệu thống kê của bệnh viện, từ tháng 7-2021 đến nay (thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh), số lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm từ thể nhẹ đến trung bình, nặng đều gia tăng. Trong đó, số bệnh nhân bị trầm cảm trung bình tăng 36%, bị trầm cảm nặng tăng 31%.

Trước đó khi chưa có mô hình "cấp cứu trầm cảm", bác sĩ Duy Long cho biết việc quản lý bệnh nhân tâm thần gặp nhiều khó khăn. Điển hình như trường hợp bệnh nhân trở nặng có các dấu hiệu tự sát, quậy phá, gây hấn... sẽ không có lực lượng y tế hỗ trợ đưa vào viện kịp thời, có khả năng gây hại cho người xung quanh và chính bản thân họ. Hơn nữa khi di chuyển bằng các phương tiện cá nhân còn có thể gây chấn thương cho bệnh nhân và người vận chuyển. 

"Trước đây khi cấp cứu cho những trường hợp này lại không có chuyên môn, không đủ thuốc. Nhưng khi mô hình cấp cứu trầm cảm ra đời đã khắc phục hết những khó khăn trên" - bác sĩ Long khẳng định.

Cấp cứu trầm cảm - Ảnh 2.

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, chán nản, mất động lực trong thời gian dài - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Phao cứu sinh" cho người trầm cảm

Từ một người có tinh thần "vững vàng", chị N.T.T.P. (34 tuổi) rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu sau khi phát hiện bản thân bị ung thư tuyến giáp. Song song với việc điều trị, theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị còn phải khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần. 

Theo chia sẻ của chị P., chị nhận thức được bản thân thường xuyên lo lắng kể từ lúc phát hiện bị ung thư với gánh nặng chi phí điều trị, trong khi tỉ lệ phẫu thuật thành công không cao, chị có nghĩ đến cái chết, rồi con sẽ mồ côi mẹ... Chỉ khi phẫu thuật thành công ung thư, tâm trạng lo âu trong chị mới vơi đi phần nào. 

"Nhưng đến giờ tôi vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn cảm giác âu lo ấy" - chị P. tâm sự.

Chị P. nói rằng nếu có mô hình cấp cứu chính căn bệnh chị đang đối diện thì đó là điều rất tốt, sẽ giúp ngăn chặn kịp thời những tình huống xấu mà chính bản thân người bị trầm cảm không nhận thức được. 

"Giờ tôi vẫn đi khám và uống thuốc điều trị rối loạn lo âu. Tôi đã hết nghĩ đến cái chết nhưng không biết nếu còn gánh áp lực nào nữa thì mình ra sao", chị P. chia sẻ và cho rằng người thân và mô hình cấp cứu trầm cảm chính là "phao cứu sinh" giúp chị cũng như các bệnh nhân khác có thể thoát khỏi "hố sâu trầm cảm".

Sau sinh đứa con đầu lòng, chị D.L. (30 tuổi, Hà Nội) đối diện áp lực không có sữa cho con bú. Tình trạng này kéo dài gần hai tuần, chị L. mất sữa hoàn toàn, trong khi bản thân chị không muốn cho con bú bằng sữa bột. Chị L. luôn cảm thấy bản thân mình vô dụng, không làm tròn bổn phận người mẹ. Nhận lời khuyên, động viên từ chồng, tinh thần chị L. thoải mái hơn, ăn uống đầy đủ hơn và cũng từ đó chị L. có sữa trở lại.

Sau hai năm, chị L. có đứa con thứ hai. Trong thời gian này, chị bảo mình từng suy nghĩ đến cái chết khi không có ai hỗ trợ chị chăm sóc hai con nhỏ. "Đứa con thứ hai thì phải thức đêm, ngủ ngày nên giấc ngủ rất bị ảnh hưởng. Lúc đó rất mệt, trong khi không nhận được sự quan tâm từ chồng. Tôi từng nghĩ mình chết để giải thoát", chị L. tâm sự.

Chị L. cho rằng sinh con là một thay đổi lớn trong cuộc đời phụ nữ và phần lớn đều gặp trầm cảm sau sinh, do đó rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ từ chồng, người thân. Và khi biết TP.HCM áp dụng mô hình cấp cứu trầm cảm, chị nói rất vui bởi sẽ là "chiếc phao" kéo người trầm cảm thoát khỏi hành vi tiêu cực mà chính họ không nhận thức được. 

"Phải ở trong hoàn cảnh trầm cảm mới thấy tầm quan trọng của việc điều trị kịp thời, sự quan tâm của những người xung quanh là quý giá nhường nào" - chị tâm sự.

Có khi nhanh nhất cũng không kịp

Dù rất nỗ lực nhưng không phải trường hợp nào cũng được cấp cứu thành công. Các bác sĩ còn ám ảnh về trường hợp một bệnh nhân ở quận 11, khi đội cấp cứu đến nơi thì bệnh nhân đã cắt cổ tự sát do trầm cảm.

"Chúng tôi xác định đây là một tình huống cấp bách, phải nhanh chóng đến hiện trường càng sớm càng tốt, nỗ lực hết sức có thể. Từ khi nhận tin báo cho đến khi có mặt chỉ khoảng 10-15 phút nhưng vẫn không kịp cứu bệnh nhân do mất quá nhiều máu dẫn đến ngưng tim, ngưng thở" - bác sĩ Lê Bá Phúc Nguyên, một thành viên cấp cứu, tiếc nuối.

Gỡ rối cho mọi người

TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng từ trước đến nay, sức khỏe tinh thần chưa được người dân quan tâm nhiều vì chúng tiềm ẩn bên trong, thay vào đó người dân chủ yếu quan tâm những căn bệnh "nhìn thấy".

Với mô hình "cấp cứu trầm cảm" của thành phố, TS Đào Lê Hòa An tin tưởng từ nay người dân đã có "kênh thông tin" chính quy để được tư vấn, xử trí ca bệnh một cách hiệu quả. Thực tế từ trước đến nay có nhiều người trầm cảm mà chính bản thân họ hoặc người nhà không biết gọi đến đâu, vào bệnh viện nào, khám ra sao.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) khẳng định mô hình "cấp cứu trầm cảm" là một hoạt động rất nhân văn, đặc biệt trầm cảm tự sát trong bối cảnh số người mắc các bệnh lý tâm thần gia tăng sau dịch COVID-19.

* Quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trầm cảm khi có hoạt động cấp cứu trầm cảm ra sao, thưa bác sĩ?

- Từ ngày bắt đầu triển khai hoạt động cấp cứu trầm cảm tự sát (ngày 26-7) cho đến nay đã có một số trường hợp trầm cảm được Trung tâm cấp cứu 115 đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị. Với trường hợp trầm cảm tự sát thì buộc phải nhập viện và được điều trị cho đến khi bệnh nhân ổn định; không còn ý tưởng tự sát.

Sau xuất viện, bệnh nhân tiếp tục điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Tùy theo nguyên nhân, khả năng đáp ứng thuốc, cơ địa của bệnh nhân mà tổng thời gian điều trị kéo dài từ 6-24 tháng hoặc có thể hơn nếu chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Tuy nhiên thực tế vẫn có trường hợp người nhà không đồng ý bệnh nhân nhập viện, dù đã được giải thích cụ thể, rõ ràng mối nguy hiểm của các ý tưởng tự sát.

DH_Tram cam_20220821_TTo

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM - Đồ họa: N.KH.

* Bệnh viện xử lý như thế nào với các trường hợp người nhà từ chối?

- Những trường hợp này, bệnh viện buộc phải cho bệnh nhân điều trị ngoại trú với sự cam kết của người nhà. Khi bệnh nhân điều trị ngoại trú, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống ngắn ngày, đồng thời luôn nhắc nhở, giải thích cho người nhà rõ tình trạng nguy hiểm hiện tại của bệnh nhân.

Khi bệnh nhân đã bị trầm cảm nặng và có ý định tự sát thì đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Nếu người nhà không theo dõi sát thì ý tưởng tự sát trong họ sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào, đặc biệt là lúc chiều tối vì đây là thời điểm người bệnh thường rơi vào trạng thái bế tắc, khủng hoảng, buồn phiền, trầm uất... nhiều nhất trong ngày.

* Như bác sĩ chia sẻ, vai trò của người thân rất quan trọng đối với người trầm cảm...

- Đúng vậy. Các bệnh nhân trầm cảm không hiểu mức độ trầm cảm thế nào, nguy cơ dẫn đến tự sát đến đâu. Người bệnh không thể một mình chống đỡ, đến một lúc nào đó họ sẽ gục ngã. Nếu thần kinh họ không mạnh thì mức độ trầm cảm ngày càng nặng, dẫn đến bế tắc, nghĩ đến cái chết và thực hiện hành vi tự sát để giải thoát. Đây là bế tắc cuối cùng của người bị trầm cảm. Vì vậy buộc phải có người nhà hỗ trợ bệnh nhân và thường xuyên liên hệ với chúng tôi.

Để ý đến nhau

Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, người thân cần đặc biệt chú ý đến người nhà với những biểu hiện bên ngoài như buồn chán, mất thích thú, dễ mệt mỏi, không muốn giao tiếp; tiếp xúc mất tự tin, có mặc cảm tự ti; tội lỗi, họ hay nhắc về cái chết và có những kế hoạch tự sát như trữ thuốc, giấu dao… Khi phát hiện người có biểu hiện này cần đưa họ đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị.

XUÂN MAI thực hiện

XUÂN MAI - THU HIẾN

Tag:Điều trị trầm cảm, Dấu hiệu trầm cảm, Trầm cảm khám ở đâu, Cấp cứu trầm cảm