1. Nghiện game online

NỘI DUNG

Các cháu học một mình trong phòng kín, bố mẹ thì phải đi làm, không ai có thể giám sát được các cháu. Vậy là nhiều cháu sau khi điểm danh vào lớp thì chuyển sang chơi game. 

Lúc này, các cháu sẽ thoải mái chơi game, thầy cô giáo không thể giám sát hết lớp học online, còn gia đình thì từ lâu đã để các cháu... tự quản.

Tổ chức Y tế thế giới (năm 2018) quy định nghiện game là chơi game được trên 1 năm và việc chơi game đã ảnh hưởng rõ ràng đến các chức năng học tập, quan hệ xã hội... 

Chúng ta đã bước sang năm thứ 2 học online, nhiều cháu từ trước đã là các game thủ, giờ càng chơi game nhiều hơn. Các cháu trước đây chỉ thỉnh thoảng chơi game, giờ cơ hội chơi game đã đến, nhanh chóng đuổi kịp và vượt các đàn anh, đàn chị trên game trường về mức độ đam mê, thời gian chơi game và hậu quả là học hành sút kém.

Chỉ cần chơi game mỗi ngày trên 4 giờ, thời gian liên tục (ngày nào cũng chơi game) trên 1 tháng là sẽ phát triển thành nghiện game. Tiêu chuẩn này quá dễ để đạt được. Sáng trẻ chơi 3 giờ, chiều 1 giờ, tối 1 giờ, vậy là đã có 5 giờ chơi game mỗi ngày!. 

Các rối loạn tâm thần thường gặp do học online - Ảnh 2.

Học online dài ngày khiến nhiều trẻ nghiện game. Ảnh minh họa.

Chiều bố mẹ đi làm về thì cứ ngỡ con mình đang chăm chỉ học bài trên máy tính. Buổi tối, nếu có bị bố mẹ bắt gặp thì trẻ sẽ lý luận rằng con vừa chơi game, rằng con mới giải lao...

Người chơi game do dành hết tâm huyết vào game nên sẽ không chú ý đến học hành, ăn uống thất thường, bỏ hết mọi quan hệ xã hội ngoài cuộc sống thực, luôn than phiền mệt mỏi và buồn ngủ. 

Vì vậy các bậc phụ huynh nếu thấy con em mình có các dấu hiệu trên, cần phải nghi ngờ và bí mật tìm hiểu để kịp thời phát hiện, tránh để trẻ nghiện game rồi mới biết thì đã muộn.

Để cai nghiện game, trẻ phải được điều trị nội trú trong khoa tâm thần bằng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm mới. Sau cai nghiện, bệnh nhân cần phải từ bỏ internet (hết học online), uống thuốc củng cố tối thiểu 6 năm.

2. Lo âu do học online

Học online không thể gây lo âu ở người bình thường, mà chỉ thúc đẩy sự khởi phát ở những người có nguy cơ bị lo âu và làm tái phát hoặc nặng thêm những người đã có lo âu trước đó.

Học online thúc đẩy lo âu xuất hiện và phát triển là do màn hình của các thiết bị điện tử mà học sinh, sinh viên sử dụng (điện thoại di dộng, máy vi tính) đều phát ra các ánh sáng xanh khiến não bị kích thích nên lo âu gia tăng.

Trẻ lo lắng quá mức thường xuyên, lo lắng về bất kì một chuyện gì, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi, lòng bàn tay, bàn chân, đau mỏi vùng cổ gáy, đầy bụng, đái rắt, run tay...

Các rối loạn tâm thần thường gặp do học online - Ảnh 3.

Học online dài ngày khiến trẻ dễ sinh rối loạn lo âu.

Ngoài ra, trẻ còn khó tập trung chú ý và khó ghi nhớ, khó vào giấc ngủ, dễ mệt khi phải cố gắng nhẹ. Vì thế kết quả học tập của trẻ sẽ rất sút kém. Lo lắng và bồn chồn quá mức có thể khiến trẻ xuất hiện ý định và hành vi tự sát.

Khi các bậc phụ huynh phát hiện ra con em mình luôn lo lắng quá mức, bồn chồn, than phiền không thể chú ý và ghi nhớ, run tay, lòng bàn tay luôn ẩm ướt mồ hôi cần nghĩ đến lo âu và đưa trẻ đi khám bệnh tại bác sĩ tâm thần.

Bệnh nhân lo âu cần được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần trong thời gian tối thiểu 5 năm.

3. Trầm cảm do học online

​Cũng như lo âu, trầm cảm không tự nhiên xuất hiện. Học online chỉ là yếu tố thúc đẩy khiến trầm cảm xuất hiện, tái phát hoặc nặng lên ở bệnh nhân đã bị trầm cảm từ trước hoặc có nguy cơ bị trầm cảm.

Bệnh nhân có nét mặt ủ rũ, buồn bã, họ mất hết các sở thích vốn có (nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao), than phiền mệt mỏi, mất năng lượng, rằng chỉ nguyên việc vệ sinh cá nhân buổi sáng đã khiến họ kiệt sức.

Bệnh nhân còn than phiền ăn không ngon miệng nên ăn ít, sút cân rõ ràng, khó vào giấc ngủ, ngủ được rất ít, giấc ngủ không sâu và thức dậy rất sớm. Họ cảm thấy rất khó chịu khi thức giấc.

Bệnh nhân còn than phiền chán nản, buồn, bi quan mà không có lý do gì. Bệnh nhân luôn khăng khăng mình kém cỏi so với bạn bè, làm xấu mặt bố mẹ vì học kém. 

Ngoài ra, bệnh nhân có lo lắng nhiều, khó chú ý, khó ghi nhớ bài học hoặc những việc mà bố mẹ dặn phải làm, hay quên làm bài tập cô giáo giao.

Một số trẻ có ý định và hành vi tự sát. Các em thường chọn lúc gia đình không có ai ở nhà để hành dộng (không bị ai cản trở). Các em có thể uống thuốc quá liều (paracetamol), dùng thuốc bảo vệ thực vật, bả chuột, thắt cổ, dùng dao cắt mạch máu và nhảy từ nhà cao tầng xuống...

Các rối loạn tâm thần thường gặp do học online - Ảnh 5.

Trẻ dễ bị trầm cảm khi phải học online dài ngày.

Trước khi có hành vi tự sát, trẻ thường biểu hiện bi quan, chán nản và tuyệt vọng. Trẻ có thể chia sẻ ý định tự sát với bạn bè, với anh chị và với cả bố, mẹ. Tiếc là nhiều người chỉ coi đó là câu nói đùa nên không có thái độ nghiêm túc phòng chống.

Đôi khi, trẻ đem tặng các đồ dùng mà mình yêu thích cho người khác trước khi tự sát. Hành động này cũng cần được bố mẹ chú ý.

Các bậc phụ huynh khi thấy con mình buồn vô cớ, chán ăn, sút cân, mất ngủ, lo lắng, tuyệt vọng, mất các sở thích cũ thì cần đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ tâm thần để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân lo âu, trầm cảm có ý định và hành vi tự sát cần được điều trị nội trú BẮT BUỘC. Các trường hợp khác có thể điều trị ngoại trú bằng thuốc chống trầm cảm và an thần kinh mới trong tối thiểu 3 năm.

PGS.TS. Bùi Quang Huy

Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103

 

Tag:rối loạn tâm thần, nghiện game, stress, lo âu, trầm cảm ,covid hôm nay, học online