Nếu thật sự mong muốn cho con có một tương lai tốt đẹp, các bậc cha mẹ hãy để trẻ được là chính con, được phát triển một cách bình thường. Cây non dễ uốn, nhưng cha mẹ ép con chín sớm sẽ có ngày rước đầy tai họa cho con.

Không ít phụ huynh chỉ muốn "lái" con theo mong muốn và kế hoạch biến con thành thiên tài của mình, mà không một lần lắng nghe sở thích, nguyện vọng của con.

Tai ương khi muốn luyện con thành tài - Ảnh 1.

Nhiều trẻ “gánh” ước mơ của cha mẹ trên vai mình - Ảnh: T.T.D.

Nếu thật sự mong muốn cho con có một tương lai tốt đẹp, các bậc cha mẹ hãy để trẻ được là chính con, được phát triển một cách bình thường. Cây non dễ uốn, nhưng cha mẹ ép con chín sớm sẽ có ngày rước đầy tai họa cho con.

Không ít phụ huynh chỉ muốn "lái" con theo mong muốn và kế hoạch biến con thành thiên tài của mình, mà không một lần lắng nghe sở thích, nguyện vọng của con.

Học đến đi... bệnh viện

Thấy con trai mới lên 3 tuổi đã biết phát hiện mấy bài hát mới nổi tiếng trên mạng Internet, chị Lê Thị Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) cùng gia đình cho rằng con có năng khiếu âm nhạc, không nên bỏ qua nên đã tha thiết năn nỉ một giáo viên dạy nhạc gần nhà cho con theo học. Chỉ khổ cho cháu bé quá nhỏ, mỗi lần đến học cứ ngồi vào đàn là khóc lóc, đòi mẹ đón về.

Không những thế, thấy con nhận biết được các màu sắc bằng tiếng Anh nên gia đình chị cho cháu học thêm cả lớp vẽ lẫn lớp ngoại ngữ. Dù tham gia lớp hội họa nhưng bé chưa biết cầm bút nên ngúng nguẩy không chịu học. 

Khổ cho bé cũng như người dạy, nhưng phân tích hoài mà chị Hòa vẫn khăng khăng con mình có nhiều năng khiếu bẩm sinh, chỉ là do cô giáo năng lực còn hạn chế nên không dạy được con chị.

 Cho đến khi con trai chị quá căng thẳng, cứ nhìn thấy sách vở, bút vẽ hay nghe thấy bản nhạc là cu cậu co rúm người lại, đau đầu, la hét ầm ĩ thì gia đình chị mới tá hỏa đưa con đi bệnh viện để khám.

Gia đình anh Hải (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì có kiểu luyện con "độc chiêu" khác. Anh Hải cho rằng thời điểm vàng để phát triển trí tuệ của con là từ 3-6 tuổi. Để không bỏ sót cơ hội vàng này, anh đã cùng vợ lên một thời gian biểu kín mít cho đứa con gái lên 4 tuổi học tất cả các buổi tối trong tuần. Từ 5 giờ chiều trở đi cháu phải học từ máy tính, đàn piano đến cờ vua, hội họa, tiếng Anh, học bơi, luyện chữ đẹp...

Hậu quả, bé suốt ngày kêu chóng mặt, đau bụng, mặt mày thẫn thờ, đờ đẫn, nhút nhát, không nói chuyện với bất cứ ai. Thế là gia đình anh Hải phải ngưng hết kế hoạch để đưa bé đến bệnh viện vì bác sĩ bảo cháu có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý.

Hệ lụy

Cha mẹ cần phải nhận ra rằng ép trẻ học theo kỳ vọng của người lớn, trước mắt là đánh cắp tuổi thơ của trẻ và về lâu dài sẽ khiến trẻ sợ việc học, nặng hơn sẽ khiến trẻ mắc phải những chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, stress, rối nhiễu hành vi... 

Theo các chuyên gia tâm lý học trẻ em, giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là thời kỳ con người phát triển tối ưu về vận động, ngôn ngữ, nghệ thuật. Nghĩa là, ở giai đoạn này, nếu trẻ có "năng khiếu đặc biệt" về ngôn ngữ, hoạt động hình thể hay nghệ thuật (âm nhạc, hội họa...), trẻ sẽ dễ bộc lộ. Nhưng đây cũng là giai đoạn tâm lý trẻ "mong manh", "dễ vỡ" nhất, nên dễ bị "ngộp" về tâm lý và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần của trẻ.

Vì thế, nếu thấy con có dấu hiệu của một năng khiếu nào đó, cha mẹ cần đưa đến chuyên gia để cùng kiểm nghiệm, đánh giá khách quan và vun đắp kịp thời, không nên ép trẻ học bất cứ nội dung nào theo sở thích hoặc sự tính toán của cha mẹ. Bởi, nếu bị cha mẹ ép, trẻ sẽ sợ hãi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến thần kinh non nớt của trẻ.

Về góc độ tâm lý, sau này những đứa trẻ bị "bồi dưỡng" sớm và nhiều kiến thức thường mất hết hứng thú, khô cằn cảm xúc, rất dễ trở thành người thờ ơ, bàng quan với thế giới xung quanh, thụ động, ỷ lại, thậm chí là khó trưởng thành về nhân cách. 

Vốn kiến thức, kỹ năng mà trẻ dưới 6 tuổi lĩnh hội được qua vui chơi, vận động cùng nhóm bạn, hoặc tự khám phá sẽ hơn gấp nhiều lần so với những gì trẻ bị cha mẹ ép học một cách "bài bản". 

Do đó, nếu bị ép quá, trẻ rất dễ bị hổng những kiến thức cơ bản này, dẫn đến gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong quá trình hoàn thiện nhân cách của mình.

Không ít cha mẹ cho rằng "việc học của trẻ giống như ăn uống. Con học nhiều thứ thì không bổ ngang sẽ bổ dọc". Tuy nhiên, theo đặc điểm tâm lý lứa tuổi, ở giai đoạn 3-5 tuổi không phải là lúc bắt trẻ răm rắp nghe lời, không thể bắt trẻ ngồi nghiêm túc một chỗ trong thời gian quá 30 phút để nghe "rao giảng" các kiến thức mới mẻ, trừu tượng.

NGUYỄN VĂN CÔNG (Đồng Nai)

Tag:Dạy con, Thần đồng, Thiên tài, Giáo dục con cái