Lâm Thanh Vinh kể, anh sinh ra trong một gia đình giáo viên hưu trí, cha là người gia trưởng và rất khó tính, mẹ hiền lành rất thương con nhưng lại là mẫu phụ nữ hết mực nghe lời chồng.

Khác hẳn những đứa con trai cùng trang lứa, ngay từ hồi nhỏ, Vinh đã bộc lộ tính cách yếu đuối giống con gái, giọng nói và cách đi đứng cũng nhẹ nhàng. Những khác biệt này trở thành nguyên nhân cho những trận đòn bất chợt mà Vinh phải hứng chịu từ người cha nghiêm khắc.

Anh bảo: “Mình đã quen với cách các cô chú đối xử với mình như vậy, quen dần với roi vọt và quen với nỗi cô độc trong gia đình". Bị người thân hắt hủi, ghẻ lạnh, đòn roi, mà Vinh cũng không biết mình đã làm gì sai trái. Vinh tự an ủi có lẽ do mình quá yếu đuối, cử chỉ đi đứng, giọng nói khe khẽ và cả những sở thích rất 'con gái' của mình khiến cho mọi người trong nhà cảm thấy chướng mắt.

"Những lúc như vậy, Vinh chỉ biết ngồi khóc một mình và lén nhìn mẹ như cố kiếm tìm một vòng tay che chở, dù biết rằng chắc chắn mẹ chỉ im lặng và ánh nhìn thương hại, vì mẹ luôn làm theo lời ba”.

Thanh Vinh với quãng đời thăng trầm đã qua. Ảnh: N.H.

Tưởng rằng sự giáo huấn nghiêm khắc và những trận đòi roi là nỗi khốn khổ duy nhất mà Vinh phải chịu, nhưng đến khi bước vào cấp 2, bi kịch cuộc đời anh mới thực sự bắt đầu.

“Từ khi học lớp 7 cho tới khi lên lớp 11, Vinh luôn bị các bạn trong lớp kỳ thị và lấy làm trò đùa. Mỗi khi ra chơi, các bạn thường xúm lại lột quần của Vinh ra xem rồi ném đi mất. Hậu quả là ngày nào đi học Vinh cũng trong tình trạng 'nhông nhông'", câu chuyện cuộc đời tiếp tục được kể.

Lúc đầu trò đùa ấy xuất phát từ sự tò mò của các bạn đồng trang lứa, nhưng về sau nó càng táo bạo và dai dẳng khiến cuộc sống Vinh càng thêm khổ sở. Anh phải chịu đựng sự tủi hổ ấy suốt 5 năm trời. Chưa bao giờ Vinh có cảm giác sợ đến trường như lúc đó, không thể báo với thầy cô, nhờ gia đình vào trường can thiệp lại càng không thể, Vinh trốn học. Ngày nào cậu cũng đi lang thang dọc theo con đường Lê Duẩn, chờ đến giờ tan học rồi mới dám đạp xe về nhà. Hậu quả cho những ngày tháng ấy là Vinh bị lưu ban lớp 11.

Tốt nghiệp lớp 12, cậu bé yếu đuối ngày nào đã thi đậu và theo học trường Đại học Mở Bán Công TP HCM. Nhưng chỉ được vài học kỳ, cuộc sống của Thành Vinh bắt đầu lâm vào bế tắc thực sự vì nỗi buồn phải tìm cách che giấu bản thân cùng với áp lực nhiều phía từ gia đình, học hành, kinh tế, vì phải một mình bươn chải mưu sinh...

Lúc Vinh tu ở chùa Viên Không (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Ảnh do nhân vật cung cấp

Không tìm được lối thoát và không biết tỏ bày cùng ai, anh đâm nghĩ quẩn và tìm cách tự tử... Song hai lần Vinh quyên sinh thì đều được cứu sống. "Có lẽ ngay cả thần chết cũng không muốn nhận Vinh”, Thanh Vinh cười buồn nhớ lại.

Sau những thăng trầm ấy, Vinh quyết định gửi cuộc đời nơi cửa Phật với hy vọng có thể tìm được sự an lành "kiếp này đã bỏ rồi đành chờ sự giải thoát ở kiếp sau".

Năm 2001 anh vào tu ở chùa Viên Không (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo trường phái Nam Tông nguyên thủy (Theravada). Công việc hàng ngày chủ yếu là tụng kinh, đánh máy các bản thảo cho các sư chuẩn bị xuất bản,lo cơm nước và ngồi thiền khi đêm về.

"Đó là những ngày tháng Vinh cảm thấy vui vẻ và thanh thản nhất, nhưng rồi lại cảm thấy mình không thể tiếp tục đi theo con đường này nữa". Vinh tự rời xa cửa Phật và lại bắt đầu cuộc sống đời thường. Anh tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó rời quân ngũ sớm vì lý do sức khỏe.

Vinh (ngoài cùng bên trái) trong những ngày quân ngũ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Vinh chia sẻ: “Nhờ những ngày tháng sống ở chùa, Vinh đã học được rất nhiều thứ và thấy quý trọng cuộc sống của mình hơn. Vinh thấy rằng khi cả gia đình và xã hội đều chối bỏ mình mà bản thân cũng không chấp nhận mình nữa thì điều đó thật tàn nhẫn".

"Không ai có quyền lựa chọn giới tính cho mình nhưng họ có quyền lựa chọn cuộc sống riêng cho họ. Ý nghĩ đó làm Vinh quyết định sống thật với con người mình, không che dấu bản thân nữa, sống vui vẻ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Vừa làm thuê, vừa đi học, kinh tế có hơi eo hẹp nhưng chưa bao giờ Vinh cảm thấy hạnh phúc đến như vậy”.

Hiện là tiếp cận viên kiêm kế toán hành chính cho một tổ chức cộng đồng, mỗi ngày Vinh đi tiếp cận truyền thông dự phòng HIV cho những người nam có quan hệ tình dục với nam (MSM) và nam hành nghề mại dâm (MSW) trên địa bàn TP HCM. Anh bảo, trong công việc phúc lợi xã hội này, lúc nào anh cũng tâm niệm cuộc đời mình sinh ra đã bất hạnh nên phải góp một phần sức cho cộng đồng và những người đồng cảnh ngộ.

“Vinh muốn mọi người hiểu rằng đồng tính không xấu, người đồng tính cũng đáng được tôn trọng trong xã hội. Mọi người nên có cái nhìn công bằng và nhìn nhận đóng góp của những người đồng tính với gia đình và xã hội thay vì kỳ thị và xa lánh họ. Điều đó chỉ làm họ sống ẩn mình, không tiếp cận được với các chương trình phòng chống HIV/AIDS, từ đó làm gia tăng sự lây nhiễm HIV ở nhóm đồng giới”, Thanh Vinh bày tỏ.

Theo Thi Trân - VnE

 

Tag:đồng tính, xã hội, bắt nạt, kỳ thị, HIV/AIDS, gia đình, chối bỏ