Kỳ 1: Mấy tháng tuổi bé biết đi?

Vận động vừa là một đặc tính bên ngoài của sự sống vừa là một đặc tính giúp em bé thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu không có vận động, chắc chắn việc thích nghi sẽ rất khó khăn.

Những cử động đầu tiên

Quan sát em bé vận động bạn sẽ thấy bé yêu của bạn dường như thay đổi theo tuần, theo tháng. Và đúng là như thế. Khó có một giai đoạn nào mà tiến triển của vận động lại diễn ra với một tốc độ nhanh như vậy, nhất là trong quãng thời gian 2 năm tuổi đầu đời. Sự lớn lên của bé là một niềm vui khôn tả của bố mẹ, là sự bận rộn đến đáng yêu với những gia đình lần đầu sinh con. Và bên trong cơ thể non nớt ấy, chúng ta những tưởng bé chỉ có măm măm và nằm chờ cho lớn nhưng bé cũng thật bận rộn với tiến trình vận động hóa. Bận tập vận động, bận cựa mình, bận rèn luyện để đứng lên. Mỗi khi bé hoàn thành một động tác nào đó, không chỉ bạn vỡ òa sung sướng mà bé cũng thực sự mãn nguyện. Nó có tác dụng kích thích bé, khuyến khích bé, giúp đỡ bé làm nhiều hơn nữa để nhìn thế giới theo đúng chiều mong muốn: nhìn từ tư thế đứng.

Dấu hiệu chậm biết đi

Nhưng bạn phải thừa nhận, sinh ra, không một đứa trẻ nào biết đi ngay. Em bé cần phải trải qua từng nấc thang để có thể đi vững bằng 2 chân. Ban đầu, thời kỳ dưới 1 tháng tuổi, bé sinh ra chưa có vận động nào mang tính đặc biệt. Bé chỉ có những vận động rất tự nhiên của hệ thống thần kinh tự phát. Chân bé luôn co và tay bé cũng vậy. Nếu bạn để ý kỹ, cả chân và tay bé đều cong lại rất đáng yêu. Cong trong tư thế gấp và giống như một đứa trẻ đạp xích lô nhưng cẳng chân và cẳng tay vẫn phải thẳng vì đây là 1 đoạn xương. Dù bạn có cố tình duỗi thẳng chân bé thì sau đó bé lại tự co lại. Thậm chí, bạn còn cảm thấy hơi khó khăn khi nắn duỗi chân. Một phần do cơ phản ứng lại, một phần vì bạn sợ làm tổn thương một cơ thể trông còn non nớt.

Vào giai đoạn này, bé rất yếu ớt đúng nghĩa với sơ sinh. Cơ cổ và cơ thân khá yếu. Bé chưa thể vận động cơ cổ trong suốt thời gian từ lúc sinh đến lúc 2 tuần tuổi. Từ 2 tuần tuổi trở đi, bạn bắt đầu thấy một vận động khác lạ đầu tiên của bé: biết cựa đầu quay sang trái, sang phải. Đó là một dấu mốc đáng nhớ sau sự kiện chào đời.

Trong suốt thời gian tiếp theo tính từ 2 tuần tuổi, bé không phát sinh thêm vận động khác ngoại trừ 2 chân đạp xích lô nhiều hơn. Các động tác chân và tay vẫn còn giật cục nhưng diễn ra với tần suất thường xuyên, có vẻ thành thục. Hai chân đạp xích lô càng nhiều thì cơ chi dưới càng phát triển và đó là dấu hiệu bé sẽ chóng biết đi. Thời gian cứ thế nhẹ nhàng trôi. Bạn cứ mải mê cho bé bú, cho bé ăn, ru bé ngủ, thấm thoát hết vài tuần. Bất chợt bạn nhận thấy bé được 2 tháng tuổi. Một cái cảm giác nhanh đến sững người. Và vào thời điểm này, bé biết cựa mình với biểu hiện: nhấc được vai lên. Khi thì vai bên trái, khi thì vai bên phải. Mỗi lần nhấc vai lên như vậy, bạn sẽ thấy bé đỏ mặt, đỏ người, mặt mũi nhăn nhó lại. Đó là một lần luyện tập. Cơ thân mình đã đủ khỏe để thực hiện vận động nâng đỡ thân. Ban đầu chỉ là vài cái cựa mình. Sau đó, bé cựa mình liên tục, cựa trong khi nằm, khi bạn bế hoặc có khi ngay cả lúc bạn thay bỉm tã. Dù chỉ là động tác đơn giản song lại hết sức có ý nghĩa trong sự nghiệp tập đi của bé yêu.

Dấu mốc 1: lẫy

Sang tháng thứ 3, bé có sự lớn lên nhiều hơn. Và tại thời điểm này có một sự kiện bạn hết sức ngóng trông: bé biết lật sấp, người ta gọi là lẫy. Ban đầu, bé chỉ biết cố gắng nghiêng người về một bên nhưng không thành công. Bé bị đổ kềnh, nằm ngửa mệt nhọc. Nhiều bé tập mãi không được, bực quá còn tự khóc inh ỏi ngon lành. Ấy là do cơ thân chưa đủ khỏe để lật được thân. Nhưng cứ tập mãi, tập mãi, dần cơ thân vững khỏe. Khi ấy bé lật sấp thành công. Lúc này, bạn sướng như hét lên còn bé thì mừng không tả được. Bởi lần đầu tiên trong đời, bé được nhìn mọi thứ xuôi chiều giống như cả quảng đời về sau: nhìn trong tư thế dựng mặt. Dù đã tự lẫy được nhưng lúc đầu cổ bé còn hơi yếu, chỉ nâng nhấc lên được chừng 45 độ so với mặt giường và cũng chỉ được 1 lát. Sau đó bé sẽ rất mỏi và gục đầu xuống. Gục như rơi cả mặt xuống giường. Nhưng những lần sau, bé làm rất thành thạo. Cứng cổ được lâu hơn và cao hơn. Thậm chí, nếu bạn gọi bé kèm theo những tiếng vỗ tay, bé sẽ cố rướn cao cổ đến tận giới hạn 70 - 90 độ.

Đến tháng thứ 4, bé sẽ xuất hiện thêm những động tác vận động tinh vi. Bé không chỉ tập thân mà còn tập cả vận động tay nữa. Lần đầu tiên bạn nhìn thấy bé biết để ý những thứ xung quanh và muốn chạm vào chúng. Đây là bước khởi đầu cho một hành trình khám phá trong tương lai. Ban đầu chỉ là cố với tay lấy những thứ phía trước mặt. Sau đó, bé biết duỗi tay hết cỡ, ưỡn cả người và xoay theo chiều di chuyển của thứ mà bé muốn. Đây là sự tương tác mang tính tích cực: thế giới tác động vào bé và bé có những đáp ứng trả lời.

Nhưng bé vẫn chưa biết đi như bạn mong muốn. Bạn cứ bình tĩnh. Sang đến tháng thứ 6, cổ bé lúc này khá cứng, có thể trụ vững được trong tư thế cổ thẳng. Bé có thể ngồi. Lúc đầu sức cơ còn hơi yếu nên bé ngồi với cái lưng cong cong. Đến tháng thứ 8, bé ngồi được thẳng lưng vàng và tự tin trông thấy. Về chuyện lẫy, bé cực kỳ thành thạo. Thành thạo tới mức bé lẫy quá thường xuyên, lật đi rồi lật lại. Thậm chí bé còn trườn bụng trên giường để di chuyển tới đồ vật mình thích. Hai chân khua lên không trung loạn xạ mặc dù vẫn đang nằm sấp. Nhưng sự khua ấy không có giá trị cho tiến triển vận động, nó chỉ có tác dụng tập cho cơ đùi khỏe hơn. Bạn cần phải đợi cho đến lúc nào hai chân bé biết đạp xuống giường thì khi ấy báo hiệu cho bạn chuẩn bị có động tác mới xuất hiện.

Dấu hiệu chậm biết đi

Đến tháng thứ 9 bé biết bò

Dấu mốc 2: bò

Đến tháng thứ 9, kết quả mong đợi của bạn bấy lâu xuất hiện: bé biết bò. Đây là kết quả tiếp nối từ thời kỳ trước đó. Khi bàn chân biết đạp xuống giường trong tư thế nằm sấp thì cơ thân biết nâng thân mình, cơ chân biết chống xuống giường. Bé bò cho bạn chiêm ngưỡng. Bé bò bằng 2 tay và bằng 2 gối, tư thế này người ta gọi là bò bằng 4 chi. Bé lẩn như chạch, hết góc này đến góc khác. Khi bé biết bò, bé khoái trí, vừa bò vừa hét và vừa chảy nước miếng xuống sàn trông rất đáng yêu. Nhiều bé bò hăng quá đến mức đỏ cả gối. Khi ấy có lẽ bạn cần bế bé dậy, không cho bò tiếp nữa. Nhiều bé hiếu động, ngay cả khi bạn bế bé lên rồi, bé vẫn tụt xuống đòi bò tiếp cho thỏa thuê.

Dấu mốc 3: đi

Sang tháng thứ 10, hai chân của bé vững vàng hơn. Bạn thấy em bé làm được vô cùng nhiều điều lý thú. Bé biết ngồi xổm trên 2 chân. Bé biết tự mình đứng lên mà không cần phải vịn vào thành ghế hay thành giường. Bé đi tênh tênh và rồi bé bỗng nhiên đi được vài bước, chập chững vươn tới hai bàn tay của bố mẹ. Những bước đi ngắn ngủi ấy dù không dài những đã đủ khiến bạn òa lên sung sướng. Bạn ôm chặt bé trong lòng như chính mình vừa biết đi vậy. Tháng 10 là dấu mốc đánh dấu một sự kiện mà bất cứ ông bố bà mẹ nào đều mong ngóng: bé đi được bằng 2 chân. Và bạn biết không, bé cũng vô cùng thích. Thích đến mức nếu tháng 9 bé bò liên tục thì đến tháng 10 bé đi theo thành giườngmọi lúc có thể.

Bé cứ thế luyện tập và đến tháng 12, bé tự đi được 1 đoạn ngắn. Công cuộc tập đi của bé không còn khó khăn nữa. Cứ thế bé tự ngồi, tự đứng, tự đi, tự nghỉ. Bé đi vững và thành thạo, không còn cần trợ giúp nhiều nữa. Bé thích chơi trốn tìm với bố mẹ. Thích được bố mẹ đuổi theo và luôn có ý nghĩ rằng mình đã thắng bố mẹ mình cơ đấy. Đến tháng 15, việc tập đi có thể nói là hoàn thành.

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “mấy tháng bé biết đi đã quá rõ”. Bạn không cần phải đợi quá 12 tháng, bé của bạn đã biết đi rồi.

Mọi sự cứ thế diễn ra thì đã không có gì phải nói. Nhưng oái ăm một nỗi, bé nhà hàng xóm biết đi lon ton rồi mà bé nhà bạn cứ ngồi đấy chẳng động đậy gì. Vậy bé có phải chậm biết đi hay không? Có lỗi gì ở đây chăng? Nội dung được trả lời trong kỳ 2 kế tiếp.

 

Kỳ 2: Thế nào là chậm đi?

Suckhoedoisong.vn - Tại sao mình chăm con vậy, bồi bổ con mình đến cầu kỳ, lẽ ra con mình phải khỏe hơn và nhanh biết đi hơn, đằng này lại ngược lại? Có cái gì đó không ổn.

Sốt xình xịch

Vẫn biết một đứa trẻ không thể biết đi vào thời kỳ 9 tháng tuổi nhưng nhiều ông bố bà mẹ vẫn không chấp nhận điều ấy. Họ mong mỏi con mình biết đi nhanh hơn. Nhiều lúc thấy em bé cứ lê la, bò bằng gối thì họ lại không hài lòng. Họ ngóng trông, đứng lên ngồi xuống, chọc tay chọc chân, làm đủ các biện pháp nhưng đứa trẻ vẫn cứ ì ra và không chịu đi. Bình thường thì sự thể sốt ruột ấy đã đủ để cho bố mẹ cảm thấy ngứa ngáy tâm hồn rồi. Nhưng nếu chẳng may có một đứa trẻ hàng xóm ngang tuổi, ngang cơ, ngang chiều cao, lại ăn uống chăm bẵm có khi lại kém hơn con nhà mình, biết đi nhoay nhoáy thì bố mẹ còn sốt cao hơn nữa. Họ đặt hàng loạt câu hỏi tự vấn trong đầu: hay con mình làm sao, sao con mình chậm đi thế, hay con mình thiếu chất gì, có bị bệnh gì không?... Tại sao mình chăm con vậy, bồi bổ con mình đến cầu kỳ, lẽ ra con mình phải khỏe hơn và nhanh biết đi hơn, đằng này lại ngược lại? Có cái gì đó không ổn.

Đã ăn không ngon, đứng không yên, đem câu chuyện kể lể, phàn nàn với hàng xóm, chả được an ủi thì chớ lại được ngay mấy câu tưới dầu vào lửa. Mấy bà, mấy cô thiếu kiến thức, giàu thêu dệt, chỉ dựa vào kinh nghiệm của cá nhân, “bồi thẩm đoàn” cho vài câu nữa lại lo ngược cành cây. Nào là cháu phải cho bé đi xem ngay đi chứ như thế là không được rồi. Chắc nó thiếu chất gì thì mới chậm đi như thế. Các cụ đã dạy rồi, 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi, có sai bao giờ. Bé nhà cháu đến ngần này tuổi rồi (12 tháng tuổi) mà vẫn chưa biết đi thì chậm đi là cái chắc. Có khi nó bị bệnh gì bên trong cơ thể thì sao? Ở nhà đã lo 1, đi nói chuyện tìm kiếm sự an ủi lại lo 2. Sau đó, mấy bà mấy cô còn không quên chìa ra bằng chứng sống động: đây cháu nhìn đi, bé nhà cô đây này. Mới có 12 tháng tuổi mà đi như khỉ con. Ngặt nỗi đứa bé đi được thật, nhanh thật, thế là trở nên lo lắng thật sự. Kết thúc mọi nguồn tin là một kết luận rất hồ đồ phủ bóng lên đầu đứa bé: đích thị con bị chậm đi.

Do đặc thù của đơn vị báo chí nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiệm vụ của báo không nhiều chủ yếu là sử dụng một số phần mềm soạn thảo văn bản, sử dụng thư điện tử để chuyển bài và một số phần mềm chế bản điện tử để sản xuất báo.
Ảnh minh họa

Ở nhà, bố mẹ ra sức tìm tài liệu. Ra sức đọc. Ra sức nghiền ngẫm. Ra sức tìm hiểu. Càng đọc, càng rối, càng bị loạn. Và thôi thì đúng là con nhà mình chậm biết đi. Dằn vặt, lo âu, bố mẹ liệt kê ra một loạt việc cần làm: đi bác sĩ, bồi bổ chất dinh dưỡng, dắt bé đi chơi chỗ này chỗ kia, xốc nách, xốc vai các kiểu với mục tiêu ép đôi chân phải cố dựng lên để đi cho bằng bạn bằng bè. Nhưng liệu bố mẹ có đang lo quá không?

Một đứa trẻ chậm đi ắt hẳn sẽ chậm biết bò, biết ngồi, biết lẫy

Nếu 12 tháng tuổi chưa biết đi thì có chậm đi?

Trên thực tế, theo biểu đồ tăng trưởng của trẻ, một đứa trẻ cần có từng nấc thang lớn lên theo trình tự để tiến tới mục tiêu cuối cùng: biết đi. Theo đó, 3 tháng tuổi đứa trẻ cần biết lẫy để lật sấp cơ thể. Động tác này sẽ luyện tập cứng cơ thân và cơ cổ. 6-8 tháng tuổi đứa trẻ cần biết ngồi để tập cơ thân. 9 tháng tuổi đứa trẻ cần biết bò để tập cơ đùi và 10 tháng tuổi bắt đầu tập đứng và đi. Đến 12 tháng tuổi, đứa trẻ đi lại khá thành thạo. Tự đi một mình và tự ngồi xuống nghỉ ngơi. Các mốc thời gian đã được đưa ra ấn định như vậy dựa vào sự theo dõi của nhiều thế hệ sinh ra.

Nhưng đưa ra số liệu như thế, không có nghĩa là một đứa trẻ đến 12 tháng tuổi chưa biết đi thì bị quy kết: chậm đi. Bạn cần nhớ, đã là một sinh thể con người, khó có ai giống ai hoàn toàn. Ngay cả việc đi cũng vậy, không có đứa trẻ nào có mốc thời gian biết đi giống đứa trẻ nào. Có trẻ biết đi sớm, có trẻ biết đi muộn. Ngay cả 2 anh em trong cùng một gia đình, thậm chí là anh em sinh đôi cũng biết đi không trùng lặp. Có khi đứa em sinh ra lại biết đi sớm hơn đứa anh đã sinh ra trước đó. Nhưng dù có khác nhau thật thì cũng không có chuyện nếu không biết đi vào thời điểm 12 tháng 1 ngày (tức là trên 12 tháng tuổi) thì đứa bé bị chậm đi.

Một đứa trẻ thường sẽ biết đi vào thời điểm 12 tháng. Nhưng trên thực tế, đó là một khoảng thời gian biến đổi tương đối rộng. Khoảng thời gian để đứa trẻ có thể tự đi được 1 mình dao động từ 12 - 15 tháng. Như thế có nghĩa, nếu chẳng may con nhà bạn đến 13 tháng tuổi chưa biết đi cũng đừng lo lắng gì cả. Bởi nó vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Thậm chí đến 15 tháng tuổi bé chưa biết đi bạn cũng vẫn chưa cần lo. Một đứa trẻ chỉ được coi là chậm biết đi khi và chỉ khi đến hết thời điểm 18 tháng tuổi (1 tuổi rưỡi) mà vẫn chưa biết đi.

Như vậy là, đến hết 18 tháng tuổi mà bé chưa biết đi thì đúng là bé có vấn đề thật. Vấn đề có thể do thần kinh vận động chưa phát triển đủ mức cần thiết để điều khiển bé đi. Có thể sự rắc rối ở phần cơ và xương không đủ khỏe để bé tự tin vững vàng để nhấc chân độc lập. Và bạn nhất định cần cho bé đi khám lúc này để tìm ra nguyên nhân thật sự ở bên trong.

Nhưng có lẽ, nếu để đến lúc phát bệnh mới đi khám bệnh thì việc xử lý không được kịp thời. Chúng ta cần tìm kiếm dấu hiệu bệnh sớm hơn thì việc can thiệp mới ý nghĩa. Tức là, chúng ta cần nhận ra dấu hiệu sớm hơn thời điểm 18 tháng tuổi thì việc can thiệp mới thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Được coi là chậm biết đi khi và chỉ khi đến hết thời điểm 18 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi

Sự rắc rối của việc chậm đi không thể đột ngột rơi từ trời cao xuống thẳng vào bé lúc 18 tháng tuổi. Nó đã có sự biểu hiện dần dần vào các thời điểm trước đó. Một đứa trẻ chậm đi ắt hẳn sẽ chậm biết bò. Chậm biết bò ắt hẳn sẽ chậm biết ngồi. Chậm biết ngồi ắt hẳn sẽ chậm biết lẫy. Căn cứ vào các dấu mốc quan sát được, một bà mẹ chịu khó quan sát chăm sóc con cái có thể dễ dàng nhận ra những dấu hiệu không mong đợi.

Nếu hết 4 tháng tuổi mà em bé không thể nâng đầu tạo góc 45 độ so với mặt giường thì tiến trình tập vận động của đứa trẻ đã bị chậm ngay từ lần đầu tiên. Lúc này bạn cần có sự cảnh báo và tiếp tục theo dõi. Nếu hết 6 tháng tuổi mà em bé không biết duỗi tay ra phía trước với lấy đồ vật thì có thể coi rằng cơ thân mình của em bé đã không khỏe như mong đợi. Nếu hết 12 tháng mà bé không thể tự đứng được 1 mình (ngồi và tự đứng lên mà không cần bố mẹ trợ giúp) thì có khả năng cao em bé nhà bạn sắp rơi vào trạng thái chậm biết đi. Lưu ý là không thể tự đứng được 1 mình khác với trạng thái chưa bước chân được vào thời điểm này. Nguyên nhân là gì thì cần đưa em bé đi khám sớm. Có thể, đã đến lúc bạn cần có sự can thiệp nào đó để tiến trình tập đi trở về đúng quỹ đạo.

Có nhiều biện pháp khác nhau khắc phục điều này. Chúng tôi sẽ đề cập một số biện pháp có thể thực hiện được để bé nhà bạn có thể cứng cáp hơn. Các biện pháp đó là gì, bạn đón đọc tiếp kỳ sau để thấy rõ.

Suckhoedoisong.vn - Nguyên tắc chủ yếu để xác định một đứa trẻ bị chậm đi đó là thời gian. Đến độ tuổi một đứa trẻ phải biết đi, giống như bao đứa trẻ khác, nhưng lại chưa biết đi thì được gọi là chậm đi. Người ta đã xác định, thời điểm 18 tháng tuổi là thời điểm chờ đợi cuối cùng để xem một đứa trẻ có thể biết đi đúng thời hạn hay không.

 

KỲ CUỐI: THÚC BÉ ĐI NHƯ THẾ NÀO?

Nếu một đứa trẻ chưa biết đi lúc 12 tháng tuổi, người ta vẫn chưa nôn nóng, đến thời điểm 15 tháng tuổi, người ta vẫn đợi chờ, nhưng đến thời điểm 18 tháng tuổi thì không đợi chờ được nữa. Hết 18 tháng tuổi mà em bé vẫn chẳng chịu nhấc chân lên đi thì chẩn đoán chắc chắn đứa trẻ bị chậm đi. Tất nhiên, thực hiện điều này bất kỳ bác sĩ nào cũng không mong muốn.

“Hứng hoa” là một nguyên nhân

Việc chậm đi có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến thứ nhất, đó là đứa trẻ bị sinh non. Một đứa trẻ sinh non là một em bé được sinh ra trước khi hoàn tất quá trình lớn lên ở trong bào thai. Khi bị sinh non, em bé bị thiệt thòi hơn so với các em bé sinh đủ tháng vì mọi thứ của cơ thể chưa hoàn tất, trong đó, có hệ vận động. Với một cơ thể yếu ớt, em bé khó có thể trụ vững biết đi như mong đợi. Tất nhiên, không phải đứa trẻ sinh non nào cũng chậm đi. Sự chậm đi tùy thuộc vào mức độ non, số tháng trong tử cung mẹ trước khi chào đời.

Dấu hiệu chậm biết đi

Nguyên nhân phổ biến thứ nhất, đó là đứa trẻ bị sinh non

Nhóm nguyên nhân thứ hai đó là tình trạng bại não và các rối loạn khác của não bộ. Tình trạng bại não xảy ra do nhiều lý do khác nhau. Có thể em bé bị rối loạn chức năng não bộ bẩm sinh, đột biết não từ trong bào thai, rối loạn nhiễm sắc thể (như các Hội chứng Down, Prader-Willi, Tay-Sachs, Williams...), di chứng não do can thiệp lúc sinh (như thủ thuật Forcep), viêm não - màng não (như viêm não do màng não cầu), động kinh ở thời điểm trước khi biết đi, não úng thủy... Những nguyên nhân này làm cho não không phát triển đầy đủ, nhất là vùng não vận động nằm ở vùng thóp kéo ra phía trước trán. Khi trung tâm cao cấp nhất của vận động không được hoàn thiện thì việc biết đi là rất xa vời.

Nhóm nguyên nhân thứ 3 là các rối loạn về cơ. Em bé chẳng may bị mắc một số rối loạn nào đó về cơ khiến cho trương lực cơ yếu như bệnh viêm teo cơ, loạn dưỡng cơ, suy nhược cơ. Những rối loạn này đặc biệt hay gặp ở tay và chân. Do đó, em bé không thể biết đi đúng thời hạn. Đặc điểm nhận dạng của các em bé này đó là chân tay rất bé, yếu ớt, không có các vận động phản xạ liên tục, không có các vận động tự phát. Em bé chỉ nằm ra đấy và chỉ có các cử động nhẹ nhàng, yếu ớt và hời hợt. Những em bé không may mắn này sẽ chậm đi.

Nhóm nguyên nhân thứ 4 đó là các bệnh lý nội tạng bên trong khiến cho thể lực của bé rất kém. Thể lực không đủ khiến cho em bé không thể biết đi đúng hẹn. Một số bệnh gây cản trở việc học đi của bé như bệnh tim bẩm sinh, bệnh thông động tĩnh mạch bẩm sinh, bệnh teo đường mật bẩm sinh, bệnh viêm teo gan, bệnh xương thủy tinh...Các bệnh lý này tuy không tác động trực tiếp đến thần kinh hoặc cơ nhưng cũng tác động gián tiếp đến sức mạnh của cơ. Em bé chỉ đủ sức để duy trì sự sống, không còn đủ sức để làm các việc khác như tập đi. Việc chậm biết đi gần như là một kết quả biết trước.

Nhóm nguyên nhân thứ 5 là do di truyền. Nhóm các em bé này hoàn toàn có sự phát triển bình thường nhưng vẫn chậm đi. Đó là vì do di truyền từ bố hoặc mẹ. Nếu một trong 2 người bị chậm đi từ lúc còn thơ ấu thì đứa con có khả năng cao bị chậm đi. Đây thường là do rối loạn tâm lý (như quá nhút nhát, sợ ngã đau) đã kéo chậm lại thời điểm chậm đi. Thông thường, nhóm các em bé này không bị chậm đi rõ nét. Chúng chỉ chậm hơn các bạn độ một vài tháng nhưng thường biết đi trước khi 18 tháng tuổi. Nhóm nguyên nhân này khá an toàn.

Nhóm nguyên nhân thứ 6 là do chăm sóc. Chăm sóc quá bao bọc, cẩn thận tới mức như nâng niu một viên ngọc quý sợ rơi vỡ sứt mẻ. Chúng tôi hay gọi đùa là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Một trường hợp đối nghịch khác là sự chăm sóc thiếu mức cần thiết khiến cho em bé bị suy dinh dưỡng, chân tay teo đét. Cả hai trường hợp này đều gây ra chậm đi. Với các ông bà, bố mẹ quá bao bọc, em bé suốt ngày chỉ được bế bồng trên tay và nằm giường. Đứa trẻ không có cơ hội đặt chân xuống đất để tập đi. Sự quá yêu thương, chiều chuộng, sự sợ nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, sự ngăn cách tiếp xúc với nhóm các em bé khác khiến cho em bé vô tình bị chậm đi không mong muốn. Ngược lại, các gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, em bé bị suy dinh dưỡng, cơ thể còi cọc và suy yếu. Em bé không đủ sức đứng dậy để đi. Các em bé này chỉ biết lê từ góc này qua góc khác, thậm chí, ruồi muỗi bay qua còn chẳng thiết đuổi. Xương yếu, cơ yếu đã khiến cho các bé bị chậm đi.

Em bé bị nguyên nhân gì thì khắc phục nguyên nhân đó, đấy là biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất giúp em bé trở về đúng quỹ đạo tập đi vốn có. Ví dụ, một em bé bị bệnh tim bẩm sinh, nếu không can thiệp hết bệnh tim thì có thể đến tận lúc 3 tuổi em bé cũng mới chỉ biết ngồi chứ đừng nói biết đi. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không có ý định trình bày tất cả biện pháp cho các trường hợp. Chúng tôi chỉ trình bày giới hạn cho nhóm các em bé có sự phát triển cơ thể bình thường nhưng vẫn chậm đi, tạm thời chưa trình bày giải pháp cho các trường hợp bệnh lý như bệnh não, cơ và các nội tạng bên trong. Tức là, bé ăn khỏe, ngủ khỏe, lớn lên, vạm vỡ và bụ bẫm nhưng vẫn chậm đi lắm, làm thế nào?

Gãi đúng chỗ ngứa

Có nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy em bé biết đi đúng thời hạn. Có thể dùng biện pháp can thiệp dinh dưỡng, dùng thuốc hỗ trợ, bổ sung các vi chất, muối khoáng...Trong giới hạn chủ định, chúng tôi trình bày biện pháp đặc hiệu nhất, thiếu vận động thì dùng vận động để trị.

Việc đầu tiên mỗi gia đình cần thực hiện đó là luyện tập trên giường cho bé. Mỗi ngày, chúng ta cần làm thường xuyên các động tác nắn chân, nắn tay của em bé. Nắn cho chân tay duỗi thẳng ra. Vừa nắn, vừa trò chuyện, làm cho em bé cảm thấy thoải mái, học ngôn ngữ lại lợi thêm vận động. Đừng để lăn lóc em bé trên giường và không làm gì cả. Nắn chân, nắn tay giúp tăng lưu lượng máu tới cơ, tăng khả năng phản xạ gân xương, kích thích chân “đạp xích lô” trên giường. Những hiệu quả này làm tăng khối cơ chân cùng sức co của nó. Mỗi lần, bạn chỉ cần nắn 3 - 5 lần, từ đùi xuống bàn chân, từ nách tới bàn tay, sau đó để bé tự co duỗi. Mỗi ngày cần làm nhiều lần như thế, rải đều sáng, chiều, tối, ước chừng cứ 15 - 30 phút lúc bé thức bạn làm 1 lần là được.

Biện pháp tiếp theo là kích thích đứa trẻ vận động bằng cách để đồ chơi ngoài tầm với. Bạn cần sử dụng các loại đồ chơi mà bé thích, rất thích. Để biết được, không còn cách nào khác, bạn phải thử qua nhiều loại khác nhau. Chúng không nhất thiết là các loại đồ chơi đắt tiền, hàng hiệu thì mới có tác dụng. Có khi chúng chỉ là những vật dụng rất đơn giản. Thông thường, các đồ chơi mà các em bé thích là thìa và cốc. Chúng có thể cầm thìa để mút, cốc để gặm, chọc thìa vào cốc, gõ cốc vào thìa phát ra tiếng động. Những đồ chơi này thường được làm bằng chất liệu gỗ thì an toàn, không vỡ lại không gây chấn thương. Bạn hãy dụ em bé ra một sàn rộng. Sau đó để đồ chơi xa tầm với của bé. Bé thích đồ chơi nên bé phải với, phải lết, phải bò và bạn đã thành công. Đừng để xa quá, bé sẽ nản. Mỗi lần bé gần tới, bạn phải lê đồ chơi ra xa chút. Chừng 2 - 3 lần, bạn phải cho bé chạm 1 lần để bé hứng thú. Đừng để vào tình trạng bé lê la cả ngày mà không chạm được vào đồ chơi thì bé nản và bỏ luôn.

Dấu hiệu chậm biết đi

Mỗi ngày, chúng  ta cần làm thường xuyên các động tác nắn chân, nắn tay của em bé, kích thích chân “đạp xích lô” trên giường

Bố trí một phòng tập đủ rộng và an toàn. Nếu phòng nhà bạn không còn chỗ lách để đặt chân thì thật khó để bé có thể tập đi. Muốn tập đi được, bé phải có chỗ để tập bò, bò được cần có chỗ để đặt chân. Bạn cần bố trí phòng chơi của bé rộng ít nhất 5 - 10m2. Khi đó bé có không gian để vận động. Phòng chơi của bé cần an toàn và có tác dụng kích thích bé tập đi. Bạn cần bố trí các điểm tựa như thành ghế, thành bàn, thành giường, tay vịn trên tường. Bé có chỗ để tập và cảm thấy rất an toàn. Khi có không gian đủ rộng, có điểm tựa để vịn, bám, bé tăng khả năng tự tin để tập đi hơn. Biện pháp này hữu hiệu với các em bé có tập tính nhút nhát.

Kích thích và nâng đỡ bé là một biện pháp nhất định bạn cần lưu tâm. Nâng đỡ có nghĩa là khi bé đang cố gắng tập động tác gì đó thì bạn có thể trợ giúp bé một tay để bé thực hiện thành công. Nâng đỡ để bé thấy việc tập vận động rất thú vị. Nâng đỡ để bé không hoảng sợ với việc tập bò, đứng hay đi. Ví dụ, bé đã cố gắng lẫy, bạn có thể giúp bằng cách đẩy nhẹ mông, thế là bé lẫy được. Nhìn đời bằng tư thế nằm sấp thú vị hơn với tư thế nằm ngửa. Khi bé cố gắng bò, bạn có thể nâng nhẹ bụng để bé có thể nâng người lên và bò mọi chỗ. Khi bé tập đứng, bạn có thể nâng nhẹ vào 2 nách để bé thấy an toàn và dướn chân ra đi. Cứ thế, từng ngày bé sẽ thấy hứng thú và thích được làm các động tác khó hơn tiếp theo. Kích thích là hướng dẫn bé, chủ động cho bé làm những động tác mà bé chưa từng làm để bé thấy thích và muốn làm việc đó. Ví dụ, khi bé mới chỉ bắt đầu tập đứng, bạn có thể nâng bé dậy cho bé đứng. Khi đó bé sẽ thấy đứng thú vị và không đáng sợ chút nào. Bạn có thể xốc nách bé và đi một vài bước cùng với bé để bé thấy đi thật sướng và an toàn. Nhưng chú ý cần cổ cứng và nhất định lưng phải thẳng được. Giai đoạn đầu tập đi, bạn cần ở ngay cạnh bé, thử thả tay ra, để bé tập đi 1 - 2 bước và ngã nhào và lòng bạn. Khi đó sức cơ tăng lên rất nhanh. Nhớ đừng tiếc vài lời khen ngợi và ôm ấp bé vào lòng. Bé sẽ hiểu mình thật tài và bố mẹ thật yêu thích động tác này. Cứ thế, từng ngày, bé sẽ đi được trước mắt bạn.

Một biện pháp khác rất đáng được chú ý đó là thả bé vào nơi có nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác. Thường quan tâm tới nhóm trẻ có khả năng phát triển vận động hơn bé nhà bạn nhưng không được khác biệt nhiều. Ví dụ, em bé nhà bạn mới chỉ biết bò. Hãy thả vào nhóm đứa trẻ bò thành thạo và biết đi. Khi đó, chúng sẽ lôi cuốn đứa trẻ của bạn vào những vận động gần tương hợp và em bé sẽ bò nhiều hơn, nhanh hơn và khỏe chân tay hơn. Nhưng bạn tuyệt nhiên không được thả vào nhóm đứa trẻ có vận động quá khác biệt. Ví dụ biết trèo cầu thang. Khi đó, chúng sẽ chạy đi và trốn lên trên tầng, không có tác dụng kích thích đứa trẻ nữa. Việc dùng cộng đồng kích thích cá nhân trở nên mất tác dụng. Biện pháp thả vào nhóm đứa trẻ khác có thể bị vướng bẩn, nguy cơ nhiễm khuẩn từ các em bé khác song nó có tác dụng rất tích cực. Có thể nói, chỉ cần 1 ngày bạn thực hiện điều này 2 lần sáng và chiều thì sau 1 tháng bạn sẽ chứng kiến sự phát triển vận động của bé đến không ngờ. Đến thời điểm này, có lẽ bạn cũng đừng ngần ngại việc thả bé lê la ra sàn, thậm chí là ra sàn nhà hàng xóm. Bạn sẽ thấy, chúng ganh đua nhau, tự kích thích nhau và bé biết đi đến ngạc nhiên.

Cách thử vùng thần kinh vận động:

Đặt bé nằm ngửa trên giường, bé ngủ thì càng tốt, dùng một vật dụng đầu tù như đầu đũa, đầu bấm bút bi (không phải ngòi bút), vạch một đường từ gót chân, đi ra ngoài, dọc theo mép ngoài lòng bàn chân bé, đi đến ô mô ngón chân út kéo sang ô mô ngón chân cái. Tốc độ di chuyển từ từ, đừng nhanh quá, đừng chậm quá, đừng nhẹ quá, đừng mạnh quá. Nếu các ngón chân gấp lại thì bạn yên tâm nhé. Vùng thần kinh vận động trên não bé bình thường và bé có cơ hội biết đi đúng hẹn.

BS. YÊN LÂM PHÚC

 

Tag:chậm đi, tập đi, trẻ em,vận động