Sáng 29/8, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) - cho biết Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. 

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 9 triệu người từ 65 tuổi trở lên và con số này sẽ tăng lên 21,7 triệu vào năm 2050. Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến, năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già (người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14%). 20 năm sau đó, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già, như Nhật Bản vài năm trước.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật bản và Việt Nam tổ chức sáng 29/8
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam sáng 29/8

 

Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi. Trong đó, phụ nữ có tuổi thọ trung bình là 76,1 và nam giới là 71,1. Tức phụ nữ Việt sống thọ hơn nam giới 5 tuổi. Khoảng cách này năm 2019 là 5,3 tuổi (tuổi thọ trung bình nữ là 76,3 và nam là 71,0).

Cùng với tốc độ già hóa nhanh, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở Việt Nam là điều đáng quan tâm. Trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, thường là bệnh không lây nhiễm, cơ xương khớp, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ... Trong khi đó, chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng điều trị và chăm sóc dài hạn của Việt Nam rất khiêm tốn. Cả nước chưa có bệnh viện chăm sóc người cao tuổi dài hạn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nêu lên nhiều vấn đề khó khăn cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt liên quan tới kinh tế. Bà Bùi Thị Ninh - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TPHCM - chia sẻ, người Việt có tư duy đầu tư cho con cái, từ việc học hành, công việc tương lai. Nhiều người mong muốn sau này con cái chăm sóc lại mình. Do đó, họ chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già với nguồn thu nhập ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, lương hưu, trợ cấp xã hội còn hạn chế. Nhiều người già không có lương hưu, nếu không có nguồn hỗ trợ từ con cháu thì đời sống vô cùng đáng lo ngại.

Ông Naoki Kondo - Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) - chia sẻ một số phương án mà quốc gia có dân số siêu già này ứng phó. Ví dụ như, các địa phương ở Nhật Bản thành lập các quán cộng đồng để ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở người cao tuổi. Các trung tâm cộng đồng này là nơi người già có thể tụ họp, tương tác, giao lưu, có thể làm giảm 50% tỉ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng. Đồng thời kêu gọi nhiều người thu nhập thấp, phụ nữ cao tuổi tham gia. Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản cũng có ngân sách để hỗ trợ địa phương thực hiện mô hình này.

Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng, tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng… để chăm sóc người cao tuổi.

H.Anh

 

Tag:già hóa dân số,người cao tuổi,tuổi thọ người việt nam,trợ cấp xã hội