Điều này thể hiện ở chỗ, khi nghiên cứu tâm lý của các nhóm, các cộng đồng xã hội (mà hầu hết các nghiên cứu tâm lý để nghiên cứu về các nhóm xã hội) chúng ta cần chú ý phân biệt sự khác nhau giữa tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội. Vấn đề này chi phối từ lý luận đền phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu thực tế (nhất là trong các luận văn cao học và luận án tiến sỹ tâm lý học) không ít người khi xác định các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý nào đó đã lầm lẫn giữa yếu tố tâm lý cá nhân với các yếu tố tâm lý xã hội hoặc không xác định đúng các yếu tố tâm lý xã hội.

Khi nói về sự khác biệt giữa tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội, người sáng lập ra ngành tâm lý học xã hội Mc, Dougall cho rằng : Khi người ta cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau rung cảm hoặc hành động thì quá trình tư duy và cách xử sự của từng người trong một tập thể nhất định sẽ khác nhiều so với quá trình tư duy và cách xử sự của người đó khi cũng gặp một hoàn cảnh như thế nhưng chỉ có một mình đơn độc ( A.G. Kovaliop, 1976). 

Sự khác biệt về cách thức suy nghĩ, trạng thái cảm xúc và hành vi giữa các cá nhân và nhóm chúng ta thấy rõ nhất trong tâm lý đám đông. Trong cuốn sách Tâm lý học đám đông (1895) của mình nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon (1841 – 1931) cho rằng yếu tố vô thức là yếu tố tạo nên một đặc điểm tâm lý đặc thù của đám đông là tâm hồn tập thể. Những con người khác nhau về trí thông minh, nhưng lại có chung bản năng, sự đam mê và tình cảm. Trong đám đông ấy, trong cái tâm hồn tập thể ấy, trí tuệ của cá nhân, tính cách của cá nhân bị mờ nhạt đi, cái dị loại chìm trong cái đồng nhất, tính chất vô thức chiếm ưu thế. Chính trong tâm hồn tập thể ấy nhân cách con người bị biến dạng. Kẻ yếu đuối bỗng chốc trở nên mạnh mẽ, kẻ ti tiện trở nên hào phóng. Có những tình cảm, những hành động chỉ nẩy sinh hay xuất hiện ở cá nhân khi cá nhân ấy ở trong đám đông. Cái mà Lebon gọi là tâm hồn tập thể chính là một dạng biểu hiện rất đặc thù của tâm lý xã hội. Ở đây cần lưu ý rằng đám đông là một loại nhóm xã hội đặc thù, không mang tính phổ biến cho các nhóm xã hội. Do vậy, tâm lý xã hội của đám đông cũng rất đặc thù. 

Một biểu hiện rõ nét của sự khác biệt giữa tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân là ở hành vi và cách ứng xử của con người. Có những hành vi và cách ứng xử có thể xẩy ra trong tâm lý xã hội (khi cá nhân sống trong nhóm) mà không xẩy ra khi cá nhân ở đơn lẻ. Chẳng hạn, việc chấp hành luật giao thông ở các ngã tư. Khi có một số người vượt đèn đỏ thì một cá nhân nào đó cũng sẵn sàng vượt. Trái lại, khi không có ai vượt đèn đỏ, chấp hành nghiêm túc luật giao thông thì cá nhân này cũng không dám vượt, vì sợ trách nhiệm và hành vi lệch chuẩn của mình. Hiện tượng vức rác gây ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay cũng vậy. Nếu một cá nhân A nhìn thấy nhiều người vứt rác ra đường thì anh ta cũng sẵn sàng vứt rác ra đường như họ. Trái lại, nếu anh ta thấy không có ai vứt rác và đều bỏ rác vào thùng thì anh ta sẽ đắn đo, suy nghĩ xem mình có nên vứt rác ra đường không và trong thực tế nhiều khi anh ta không dám hành động sai trái như vậy. Nếu chúng ta sang các nước phát triển như Singapore, Đức, Hoa Kỳ... chắc chắn chúng ta không dám vứt rác thải tuỳ tiện ra nơi công cộng. Vì ở đây mọi người đều chấp hành tốt các quy định về môi trường. Trong khi đó ở nước ta, nhất là các vùng nông thôn mọi người đều sẵn sàng vứt rác, khạc nhổ ở mọi nơi công cộng, vì hầu hết mọi người đều hành động như vậy. Đó không chỉ là sự khác biệt giữa tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân, mà còn là mối quan hệ giữa hai yếu tố tâm lý này. Thông thường khi cá nhân hành động phải “nhìn” theo nhóm, dựa vào nhóm. 

Tại sao cá nhân có thể thực hiện một hành động nào đó khi anh ta ở trong nhóm, mà không dám hành động khi anh ta một mình? Kết quả của các nghiên cứu về tâm lý xã hội cho thấy trong nhóm cá nhân hành động không lo sợ vì bản thân mình phải chịu trách nhiệm, nhưng khi hành động một mình thì cá nhân lại sợ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Người ta vẫn nghĩ rằng, nếu hành động theo số đông thì hành vi của mình ít bị phát hiện, bị người khác nhận thấy, còn khi hành động đơn lẻ thì hành vi đó dễ bị phát hiện, nhất là các hành vi lệch chuẩn. Điều này thấy rõ khi con người thực hiện các hành vi có tính lệch chuẩn, còn khi anh ta thực hiện các hành vi có tính chuẩn mực, những hành vi có ý nghĩa xã hội tốt thì anh ta lại muốn thể hiện hành vi của mình cho mọi người biết, nhất là đối với các cá nhân thích khẳng định mình trước mọi người.

Ở đây cần nói thêm rằng tâm lý xã hội thể hiện qua dư luận xã hội trở thành chuẩn mực điều chỉnh hành vi của cá nhân. Dư luận xã hội là một biểu hiện đặc trưng của tâm lý xã hội. Đó là thái độ của cộng đồng, của xã hội đối với một vấn đề gì đó, đặc biệt là đối với những vấn đề có tính tiêu cực. Khi dư luận xã hội lên tiếng thì cá nhân không dám hoặc e ngại thực hiện một hành vi nào đó có tính lệch chuẩn. Trái lại, khi dư luận xã hội không lên tiếng thì cá nhân sẵn sàng thực hiện hành vi lệch chuẩn của mình. Hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên ở nước ta hiện nay là minh chứng rõ rệt cho vấn đề này. Chẳng hạn, trên xe buýt, có một thanh niên móc ví của người khác, nhiều người nhìn thấy nhưng không ai dám nói, vì sợ bị trả thù. Người thanh niên này yên tâm thực hiện hành vi xấu của mình. Nếu mọi người trên xe buýt lên tiếng, phản đối thì chắc chắn người thanh niên đó không dám tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp của mình. Hành vi như vậy diễn ra khá phổ biến hiện nay ở nhiều nơi của nước ta, vì dư luận xã hội không lên tiếng, còn cách đây ba bốn thập kỷ chắc chắn những hành vi như vậy sẽ bị dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ.

Một điểm cần lưu ý về tâm lý xã hội là tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội trong một cộng đồng người nó đan xen vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Trong cái tâm lý xã hội có sự hiện diện tâm lý của các cá nhân và trong tâm lý cá nhân có dấu ấn của tâm lý xã hội. Chúng ta lấy tâm lý dân tộc làm dẫn chứng. 

Tâm lý dân tộc là kết tinh của tâm lý mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc đó. Nó được thể hiện trước hết qua ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc, tính cách dân tộc, tình cảm dân tộc...Song tâm lý của các thành viên trong cộng đồng dân tộc đều phản ánh những nét tâm lý chung của dân tộc mình. Đây chính là dấu hiệu để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác và cũng là một yếu tố để khẳng định bản sắc của một dân tộc. Chẳng hạn, ta nói về tính kỷ luật của dân tộc Đức. Đây không chỉ là nét tâm lý điển hình của cả dân tộc Đức, mà còn biểu hiện tính cách của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc ấy. Người Nhật đề cao tính trung thành và đức tính này trở thành một yếu tố tâm lý xã hội tiêu biểu của người Nhật. Người dân Nhật Bản trung thành với Hoàng gia, người lao động trung thành với chủ doanh nghiệp, bạn bè trung thành với nhau...

Với vai trò quan trọng của tâm lý xã hội trong đời sống, do vậy trong nghiên cứu tâm lý con người thì nghiên cứu tâm lý xã hội là nhiệm vụ rất cần thiết. Nghiên cứu tâm lý xã hội giúp cho chúng ta hiểu được bản chất và vai trò của tâm lý con người, tâm lý của cộng đồng người. Vì con người chủ yếu sống trong các nhóm xã hội. Các nhóm xã hội này cũng là nhân tố quyết định hình thành và phát triển nhân cách của con người. Các nhóm xã hội là các thành tố tạo nên xã hội. Hay nói cách khác, xã hội được hình thành từ các nhóm xã hội. Khi cá nhân muốn thể hiện, khẳng định quan điểm, năng lực và tính cách của mình thì anh ta phải thể hiện qua các nhóm xã hội mà anh ta là thành viên, qua cộng đồng mà anh ta sinh sống chứ không phải thể hiện khi anh ta sống đơn lẻ. Nói cách khác, sự tồn tại, hiện diện và khẳng định của một con người thông qua các nhóm xã hội. Do vậy, nghiên cứu tâm lý con người phải nghiên cứu anh ta qua các nhóm xã hội hay nghiên cứu tâm lý xã hội của con người. Tất nhiên, ở đây chúng ta không phủ định vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu cá nhân. Song, chỉ qua nghiên cứu tâm lý xã hội chúng ta mới hiểu được đầy đủ hơn tâm lý của con người.
Vũ Dũng

 

 

Tag:cá nhân, xã hội, tâm lý, khác biệt